Theo dõi trên

Ai quản lý chất lượng những hàng rong ngoài cổng trường?

21/12/2020, 10:46

BTO- Nếu như ở bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông đều có căn tin trong trường học thì bậc tiểu học gần như không có trường học nào cho phép nhà trường được mở bán căng tin. Tâm lý của tuổi nhỏ thích ăn hàng và thích mua đồ chơi. Vì thế, trường không bán các em sẽ tự tìm mua bên ngoài.

Hàng rong đủ loại từ đồ chơi đến đồ ăn

Đáp ứng thị hiếu của học sinh, xung quanh khu vực các trường học thường phát sinh không ít hàng quán để phục vụ học sinh. Dạo một vòng quanh khu vực một số trường tiểu học tại thị xã La Gi, nhận thấy các mặt hàng được bày bán vô cùng phong phú.

Từ các loại đồ chơi như kẹo thối, kẹo đập, kẹo son môi, kẹo phát sáng… đến các loại súng bắn dây thun, cung, nỏ, hình xăm… được bày bán la liệt.

Một số học sinh cho biết, có loại kẹo như kẹo son môi có bạn ăn vào bị nôn ói. Hay như kẹo thối đập xuống đất nghe tiếng nổ và cùng với đó là mùi thối kinh khủng bay ra. Đã có học sinh dùng cung, nỏ bắn nhau với bạn đến bầm mặt, bầm mắt.

Bên cạnh đồ chơi là đồ ăn như kem, xúc xích, nem, chả, bánh tráng trộn với đủ loại gia vị bò khô, gà khô, nước sốt, tương cà, nước ngọt trà sữa, đồ tẩm khô… không rõ nguồn gốc. Cũng đã có học sinh ăn bị nôn ra ngay trong giờ học. Bên cạnh đó là các loại nước ngọt được học sinh ưa chuộng nhất do giá rất rẻ, chỉ 2.000 đồng đã có ngay một ly nước cam, nước ngọt coca-cola mát lạnh.

Theo quan sát của chúng tôi, dụng cụ hành nghề của hàng bán rong khá đơn giản, gồm những mẹt, xô đá, cốc nhựa, hoặc xe đẩy nhỏ để dễ dàng lưu động đến nơi có học sinh đứng tụ tập nhiều.

Để hạn chế học sinh sử dụng hàng rong, trong các buổi chào cờ, nhà trường liên tục nhắc nhở học sinh. Giờ ra chơi các trường đều đóng cửa. Tuy thế, học sinh thường tập trung mua vào đầu giờ đi học và vừa ăn vừa để dành giờ ra chơi ăn tiếp.

Nhà trường cũng đã lưu ý phụ huynh không cho con tiền đi học, nếu cần bỏ sữa, bỏ bánh vào cặp cho các em tránh cho việc học sinh tự ý đi mua hàng rong. Thế nhưng, dù đưa vào nội quy trường lớp, thông báo cho phụ huynh nghe và ký cam kết. Thế nhưng nhiều học sinh đi học vẫn mang theo tiền.

Ai cũng biết, việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời, như đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm…

Nhưng tác hại về lâu dài mới là điều khủng khiếp. Bác sĩ đã khuyến cáo, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…

Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Hỏi một số hiệu trưởng nếu học sinh bị ngộ độc thực phẩm do ăn uống hàng rong bên ngoài nhà trường, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Một số hiệu trưởng cho biết, nhà trường có thể cấm bán hàng trong trường học nhưng bán hàng rong ngoài cổng trường lại không thể cấm.

Vậy trách nhiệm về việc hàng rong bủa vây trường học thuộc về ai? Từ tháng 10/2018, Nghị định 115 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã tăng mức xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay...

Đây được xem là một trong những chế tài mạnh tay nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát thực phẩm bẩn, đặc biệt trong tình trạng hàng rong, thức ăn chế biến sẵn trên đường phố, tại các khu công cộng và cổng trường đang tràn lan như hiện nay.

Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn người kinh doanh, chính quyền các địa phương phải thường xuyên kiểm tra an toàn thực phẩm của những gánh hàng rong và có hình thức xử lý thật mạnh tay những ai cố tình vi phạm.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ai quản lý chất lượng những hàng rong ngoài cổng trường?