Theo dõi trên

Bờ biển của ai?

16/01/2019, 09:30

BT- Một địa phương có bờ biển đẹp, du lịch phát triển, du khách đến khá đông, du lịch nơi ấy sẽ là đòn bẩy kinh tế, đóng góp vào ngân sách. Bình Thuận cũng không ngoại lệ. Thế nhưng không ít doanh nghiệp khi được chấp thuận đầu tư, đi vào hoạt động, tự biến “bờ biển” là của riêng. Mới đây dư luận xôn xao khi clip chủ một resort có hành động không đẹp mắt bị tung lên mạng xã hội. Nó khiến người ta bức xúc, phía quản lý giật mình nhìn lại. Việc quản lý bờ biển sao cho hiệu quả, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp làm du lịch, người dân và du khách đó là vấn đề cần quan tâm.

Những ngày qua, hình ảnh về chủ một resort ở phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết cầm dao chặt lưới mà du khách giăng trên bãi biển để chơi bóng chuyền đã gây nên hình ảnh không đẹp mắt. Theo chủ resort, do quá bức xúc với sự ồn ào của một nhóm khách ở resort khác đến đánh bóng chuyền tại khu vực bãi biển của mình làm ảnh hưởng những du khách đang nằm nghỉ ngơi trên bãi biển, bà đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không được. Do đó, bà đã có hành động trên. Chuyện đúng sai, rồi các ngành chức năng sẽ làm rõ. Tuy nhiên, đứng về góc độ du lịch, đây là một hình ảnh không nên chút nào. Chủ doanh nghiệp du lịch ngay sau đó đã xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng.

Từ câu chuyện trên cho thấy, vấn đề quản lý bờ biển tại các khu du lịch cần được quan tâm. Làm sao để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người dân địa phương hay những du khách vãng lai là vấn đề mấu chốt trong quản lý. Theo Hiệp hộidu lịch Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 92 về phát triển du lịch, UBND tỉnh cũng đã có Kế hoạch số 1418 thực hiện nghị quyết của Chính phủ. Trong đó nói rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các ban, ngành, địa phương trong việc quản lý điểm đến. Ngành văn hóa thể thao và du lịch cần triển khai giám sát thực hiện. Có như vậy sẽ tránh được các xung đột tạo nên hình ảnh xấu cho thương hiệu du lịch  Bình Thuận như vừa xảy ra

“Sự việc sau đó đã được chủ doanh nghiệp đứng ra xin lỗi, tuy nhiên hình ảnh trên không chỉ ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp mà còn cho cả ngành du lịch tỉnh. Phía Hiệp hội sẽ chấn chỉnh để các doanh nghiệp du lịch đừng để điều đáng tiếc xảy ra, tạo nên điểm đến an toàn và thân thiện” - ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận chia sẻ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Bãi biển là tài sản công cộng, thuộc sở hữu toàn dân, nên dù có giao cho các doanh nghiệp quản lý, sử dụng, thì phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Doanh nghiệp chỉ thuê mặt bằng, kinh doanh dịch vụ trên bờ, còn bãi biển thì không được thuê, người dân có quyền tắm biển, vui chơi nghỉ dưỡng trên đó. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, phục vụ cho cộng đồng cùng tham gia.

Cuối năm 2018, Mũi Né - Bình Thuận đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch trở thành Khu du lịch quốc gia. Theo đó, sẽ có một bộ quy tắc ứng xử trong các khu du lịch này. Những người làm du lịch, cộng đồng dân cư cũng như du khách khi tham gia vào khu du lịch quốc gia sẽ có những hành động phù hợp với quy tắc ứng xử đó. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ việc khai thác và sử dụng bờ biển trong việc phát triển du lịch để đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và du khách.

 Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bờ biển của ai?