Theo dõi trên

Cân nhắc khi đặt tên khai sinh

15/04/2021, 09:57

BT- Quan niệm đặt tên cho con để dễ nuôi và đẹp lạ của cha mẹ, trên thực tế chẳng thấy đâu lại thấy khó xử của chính người con, buộc phải đi đổi tên…

                
Tên dài phải ghi xuống dòng.

Bộ luật Dân sự hiện hành quy định, cá nhân có quyền có họ, tên cũng như được quyền thay đổi tên trong trường hợp cái tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Chính vì vậy, thời gian qua không ít người dân nhận thấy cái tên của mình không được đẹp đã đến tư pháp xã, phường đổi tên. Điển hình vài trường hợp như ông Nguyễn Văn Đ ở Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc), ông K’Văn D ở Bắc Bình. Cán bộ tư pháp xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc) Nguyễn Đức Thành cho biết: “Khi người dân đến xin cải chính lại tên phải chứng minh được lý do chính đáng như bị trùng tên người thân trong hoàn cảnh nào đó. Trường hợp tên không hay, bị chọc ghẹo, người dân đến yêu cầu đổi tên khác thì chúng tôi hướng dẫn họ làm thủ tục đổi tên”.

Không chỉ thế, có những cái tên rất dài khi cha mẹ đến tư pháp xã yêu cầu điền vào giấy khai sinh cho con, khiến cán bộ hộ tịch “phát hoảng”, nên đã tư vấn giảm bớt. Ông K’Văn Vĩnh – cán bộ tư pháp xã Đông Giang cho biết: “Có những cái tên rất dài, phải tư vấn lắm họ mới giảm bớt chữ. Chẳng hạn, tên K’Thị Kim Kiều Luyễn Ái Duyên, tư vấn họ giảm xuống còn 5 chữ “K’Thị Kim Ái Duyên. Ngoài ra, có nhiều cái tên nghe có vẻ không hay, chúng tôi cũng tư vấn cho họ đặt tên khác để sau này con họ lớn lên không bị chọc ghẹo. Có khi cũng cái tên ấy họ lái sang ngôn ngữ nhạy cảm, có người phải đi đổi tên”.

Việc đặt tên cho con tưởng đơn giản, nhưng nếu không cân nhắc sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con khi lớn lên. Chẳng hạn, cái tên quá dài khi con đến tuổi đi học hoặc lớn lên đi xin việc làm, rất khổ khi điền tên vào mục họ và tên trong hồ sơ, lý lịch... Vì vậy, các bậc cha mẹ ý thức tầm quan trọng của giấy tờ nhân thân, trong đó có giấy khai sinh, không nên tùy tiện khi đặt tên cho con.

Theo Điều 26 của Bộ luật Dân sự, mỗi cá nhân có quyền có họ và tên, nhưng hạn chế đặt những tên xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự... Tên của công dân phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Ông K’Văn Vĩnh cho biết, nhờ tư vấn nhiều nên bà con bây giờ đặt tên cho con đẹp, nhưng vẫn còn trường hợp “bảo thủ” do ông bà can thiệp vào việc đặt tên cho cháu.

Theo ghi nhận, người đi đổi tên ở các địa phương thường là những người có năm sinh ở các thập niên trước. Ông Đặng Văn Đào – Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Sở Tư pháp thừa nhận trước kia vấn đề hộ tịch thực hiện lỏng lẻo, còn ngày nay đã chặt chẽ hơn, quan tâm hơn. Ngay cả người làm công tác hộ tịch cũng kỹ càng hơn, tuy vậy vẫn không tránh được sai sót nhỏ, sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cân nhắc khi đặt tên khai sinh