Theo dõi trên

Đừng để “sập bẫy” vì nhẹ dạ cả tin

17/08/2020, 09:22 - Lượt đọc: 114

BT- Công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, kéo theo đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi... Trước đó, cơ quan chức năng, truyền thông cảnh báo rất nhiều, nhưng gần đây tại tỉnh liên tục xảy ra nhiều vụ dùng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

                
Ảnh minh họa.

Cơ quan công an vừa thông báo kết quả xác minh đơn tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh nhận được đơn tố giác từ chị T.N (SN 1970, xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết) tố cáo một nhóm đối tượng không rõ lai lịch có hành vi lừa đảo. Cụ thể, trong tháng 4, chị T.N nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0945171… từ một phụ nữ tự xưng là nhân viên bưu điện, thông báo chị T.N có bưu phẩm và thư từ Hà Nội gửi đến. Sau đó, người phụ nữ này đọc nội dung thông báo chị T.N đã sử dụng số tiền hơn 36 triệu đồng từ mã thẻ tín dụng 4203… tại một ngân hàng, chi nhánh đặt tại TP. Hà Nội. Theo như chị T.N kể, người này khuyên chị nếu không sử dụng số tiền trên thì lập tức liên hệ Công an Hà Nội để khóa tài khoản. Vừa dứt cuộc gọi từ người phụ nữ trên, chị T.N tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0060063708… tự xưng là Trung úy Đinh Văn T.  và yêu cầu chị cung cấp họ tên, số chứng minh nhân dân. Tiếp theo đối tượng yêu cầu mở một tài khoản ngân hàng mới, đứng tên chị T.N và tải ứng dụng theo đường link http://45.63.100.14/ststic/108730/protech10.apk về cài đặt vào điện thoại.

Thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng trên, chị T.N đã mở một tài khoản ngân hàng và tải ứng dụng protech10 về cài đặt vào điện thoại di động. Sau đó, đối tượng yêu cầu chị chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng vừa mở để kiểm tra. Vì đây là lần đầu tiên nhận điện thoại liên quan đến cơ quan công an như đối tượng tự xưng, sự mất bình tĩnh, nhẹ dạ cả tin nên chị T.N đã gửi 552 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng vừa mới mở.

Ngay sau khi chị T.N gửi tiền, các đối tượng đã lập tức rút tiền trong tài khoản chị T.N qua internet banking. Từ số tiền rút được, trong 2 ngày (23 – 24/4),  các đối tượng tiếp tục chuyển vào 3 tài khoản ngân hàng khác nhau.

Qua kết quả xác minh, các tài khoản mà đối tượng chuyển số tiền trên vào được mở tại những ngân hàng khác nhau, đều đứng tên chủ tài khoản là Nguyễn Văn Đô (SN 2001, hộ khẩu thường trú: Ấp Bình Minh, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) và có giao dịch phù hợp với chị T.N.

Trên đây là một trong những hành vi mà các đối tượng sử dụng công nghệ cao để dụ dỗ đưa các thông tin giả tưởng như thật, từ đó hướng dẫn các ứng dụng có chứa mã độc chạy trên phần mềm điện thoại di động để lấy thông tin cá nhân, tài khoản, rồi chiếm đoạt tiền gửi của chị T.N với số tiền 552 triệu đồng. Hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu của tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Để tránh bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo, người dân cần lưu ý các số điện thoại đối tượng lừa đảo sử dụng thường bắt đầu bằng dấu +; cần cảnh giác với các cuộc điện thoại thông báo nợ cước điện thoại, thông báo nhận quà, trúng thưởng, hay chuyển tiền tài khoản của người khác để điều tra, xác minh hay đóng phí dịch vụ bưu điện, phí hải quan… Đừng để đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật, công nghệ viễn thông, đặc biệt, sự nhẹ dạ cả tin để rồi “sập bẫy” bởi các trò lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua những cuộc điện thoại.

H.Châu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng để “sập bẫy” vì nhẹ dạ cả tin