Theo dõi trên

Hãy là người có tâm

30/12/2019, 10:42 - Lượt đọc: 85

BT- 1.Tuần vừa rồi, chị Thư ở phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết phải tất tả chở con đi chích ngừa bệnh dại, vì bị chó nuôi của hàng xóm cắn vào chân. Quả thực, nhìn cậu bé 5 tuổi người ốm nhẳng, nay lại phải đi chích ngừa dại, khiến không riêng gì gia đình mà ai nấy đều xót. Vẫn biết tiêm thuốc vào người sẽ có tác dụng phụ, nhưng nếu không chích ngừa, nguy cơ mắc bệnh không ai có thể đoán trước. Nỗi lo thấp thỏm càng lớn hơn nhiều lần đến mất ăn mất ngủ.

Có mặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dù cuối tuần nhưng số người đến tiêm phòng rất đông. Nhiều người trong số đó đến để chích ngừa bệnh dại, hầu hết là trẻ em. Có rất nhiều lý do dẫn đến việc bị chó cắn. Chị Hương, phường Đức Nghĩa (TP. Phan Thiết) cho hay: Sau giờ đi học về, con chị mới xuống xe, đứng ở trước cửa nhà thì bị con chó của hàng xóm cắn vào chân, chảy máu. Sự việc xảy ra quá nhanh, nên phụ huynh không kịp phản ứng. Ngay lúc đó, chị chỉ biết chà rửa xà bông để khử trùng vết thương và chở con đi chích ngừa. Điều đáng nói là sau khi chó nuôi “gây họa” cho người khác, chủ nhà vẫn không tỏ thái độ lo lắng gì, dù biết con chó nhà nuôi rất dữ, đã cắn nhiều người. Ngược lại, họ vẫn cho rằng chó nhà mình đã chích ngừa bệnh dại, nên không sao. Hàng ngày, con chó dữ vẫn được gia chủ thả rông ngoài đường, gây ra bao mối nguy rình rập.

 2. Người viết đã từng chứng kiến tại một con hẻm thuộc đường Nguyễn Tương - TP. Phan Thiết. Đây là xóm của đa số người lao động, đất chật, người đông. Tuy nhiên, hầu hết gia đình nào cũng nuôi từ 2- 3 con chó, thậm chí có cả loại chó becgie. Do diện tích nhà nhỏ, nên việc chó thả rông ngoài đường cả ngày không có gì lạ. Hậu quả ai cũng biết, là việc mất vệ sinh môi trường. Con đường lúc nào cũng đầy rác và chất thải của vật nuôi. Không ít gia đình có con nhỏ, vì sợ bị chó cắn, bị nhiễm bệnh từ môi trường, nên không dám cho con ra đường.

Dẫu biết, chó là vật nuôi thân thiện với con người, nhưng để loại vật nuôi này không gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và đời sống của người xung quanh, rất cần những chủ nuôi có tâm. Theo tư vấn của nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, nếu không may trẻ bị chó cắn, cha mẹ cần làm sạch vết thương bằng xà phòng, nước sạch. Việc quan trọng là tìm hiểu nguồn gốc của con chó, lịch sử tiêm ngừa của chó, theo dõi chó trong 10 ngày. Đồng thời, khuyến cáo mọi người không nên chủ quan và chích ngừa vắc xin dại đầy đủ. Đặc biệt, vết thương do chó cắn cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.

Rõ ràng, không ai mong muốn khi để xảy ra việc chó cắn người. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa nguy cơ, mong rằng các chủ hộ nuôi chó cần có ý thức khi chăm sóc vật nuôi. Nên cho chó đi chích ngừa đầy đủ, rọ mõm chó khi thả rông để tránh ảnh hưởng đến người xung quanh. Tết Nguyên đán 2020 đang cận kề. Việc đến nhà người quen để thăm hỏi, chúc tết sẽ rất nhộn nhịp. Để tránh nguy cơ bị chó cắn khi đi đến gia đình đang nuôi chó, việc cẩn trọng là việc làm không thừa cho tất cả mọi người. 

    
      Theo khuyến cáo của ngành y tế, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm   do vi rút dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết   cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Cho   đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần   như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người   dân hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Trung Lương



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãy là người có tâm