Theo dõi trên

Không đăng kiểm tàu cá lắp máy kém chất lượng

16/02/2020, 09:21

BTO- Ông Trần Tam, ngụ tại phường Đức Long (Phan Thiết) phản ánh: Trên địa bàn phường Đức Long có một số tàu thuyền đánh cá máy thủy bị hư hỏng, chủ thuyền đã lắp thay thế bằng máy Cumin để hoạt động, giá thành rẻ hơn. Nhưng cơ quan đăng kiểm tàu cá không chấp nhận, gây khó cho ngư dân…Tỉnh và thành phố Phan Thiết cần tạo điều kiện cho ngư dân đăng kiểm để hành nghề, vì đã lỡ lắp máy bộ. Trên thực tế có một số tàu thuyền thay thế máy bộ lại được cơ quan đăng kiểm cho phép hoạt động… nên tạo sự so bì giữa các chủ tàu thuyền.

                
      Tàu công suất lớn tại cửa sông Cà Ty.

Qua tìm hiểu vấn đề nói trên chúng tôi được biết: Theo quy định tàu cá lắp đặt máy thủy thì được thực hiện đăng kiểm bình thường. Riêng lắp đặt thay thế bằng máy Cumin thuộc loại máy bộ (máy động cơ ô tô, máy kéo được thủy hóa, các máy tàu không rõ nguồn gốc xuất xứ) thì không được đăng kiểm. Bởi lẽ, từ ngày 5/5/2017 Bộ Nông nghiệp – PTNT ban hành Chỉ thị số 3727 về việc tăng cường công tác quản lý, khai thác thủy sản, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Theo đó, ngày 17/5/2017 UBND tỉnh cũng có Công văn số 1788 chỉ đạo công tác quản lý, hoạt động khai thác thủy sản, quản lý tàu cá bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, công văn nêu rõ: “Nghiêm cấm việc lắp đặt các loại máy kém chất lượng, máy bộ (máy động cơ ô tô, máy kéo được thủy hóa, các máy tàu không rõ nguồn gốc xuất xứ) xuống tàu cá…”.

Để triển khai Chỉ thị 3727 Sở Nông nghiệp – PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản Bình Thuận tổ chức phổ biến, truyên truyền rộng rãi quy định nói trên cho các chủ tàu thuyền trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, Chi cục Thủy sản Bình Thuận cũng đã tổ chức triển khai nghiêm túc những nội dung trong chỉ thị, văn bản, kiên quyết không cho lắp đặt máy kém chất lượng, máy động cơ ô tô xuống tàu cá. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, đó là: Một số chủ tàu cá (khoảng trên 200 trường hợp) lỡ mua, lỡ gắn máy bộ (động cơ ô tô) xuống tàu cá trước khi triển khai thực hiện Chỉ thị 3727; mặt khác, do kinh tế khó khăn nên nhiều ngư dân không đủ tiền mua máy thủy (giá cao hơn nhiều so với máy bộ) để lắp ráp thay thế. Thời gian qua, nhiều hộ ngư dân đã kiến nghị cấp tỉnh, cấp huyện tạo điều kiện và có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nói trên, để giúp ngư dân ổn định sản xuất, đời sống. Trước tình hình thực tế đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong hoạt động khai thác hải sản và tránh những lãng phí không cần thiết nên UBND tỉnh chỉ đạo: Đối với các trường hợp đã lỡ mua, lỡ gắn máy bộ xuống tàu (trước ngày 5/5/2017 triển khai Chỉ thị 3727), nếu chủ tàu có hóa đơn, chứng từ, chứng thư giám định chất lượng vẫn được xem xét cho lắp đặt xuống tàu và thực hiện đăng kiểm…

Như vậy, việc cấm lắp đặt các loại máy kém chất lượng, máy bộ xuống tàu cá là một chủ trương đúng, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam đối với tàu cá, nhằm bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Vấn đề này thời gian qua đã được Chi cục Thủy sản, các địa phương tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong ngư dân nên các chủ tàu thuyền cần nghiêm túc thực hiện.

Hồ Nhật



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không đăng kiểm tàu cá lắp máy kém chất lượng