Theo dõi trên

Một gia đình liệt sĩ có nguy cơ không còn nhà ở

21/06/2017, 08:37 - Lượt đọc: 6

BT- Mấy tháng nay, gia đình ông Trương Công Thành (ở số nhà 20, đường Hùng Vương, khu phố 2, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân) đang cầu cứu khắp nơi vì  tài sản duy nhất của gia đình cũng là nơi thờ cúng 2 liệt sĩ Trương Thẫn và Trương Dẫn sắp bị cưỡng chế thi hành án. Xung quanh vụ việc này có nhiều điểm khuất tất cần được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

                
Ông Trương Công Thành bên nơi thờ cúng hai    liệt sĩ.

Hai người mua đất, cấp sổ cho một người?

Với đôi mắt thâm quầng sau nhiều đêm thức trắng, ông Trương Công Thành cho biết: Năm 2003, vợ chồng ông mua một lô đất trồng cây hằng năm diện tích 100 m2 (5m x 20m) của bà Nguyễn Thị Kim Châu. Cùng mua với gia đình ông còn có vợ chồng người con gái là Trương Thị Ngọc Thịnh mua với diện tích  100 m2 (5m x 20m) kế bên cũng của bà Châu. Cả hai mua đất bằng giấy tay. Khi mua, hai bên đã vẽ sơ đồ khu đất rất rõ ràng gồm cả hình dạng đất và tứ cận. Năm 2005, bà Nguyễn Thị Kim Châu tách riêng phần đất đã bán cho hai cha con ông Thành ra một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có số hiệu AD 724165. Sổ này vẫn đứng tên bà Nguyễn Thị Kim Châu. Đến năm 2009, gia đình ông Thành và bà Thịnh có đơn gửi UBND thị trấn Tân Minh xin chuyển đổi mục đích diện tích đất trên thành đất thổ cư. “Vào thời điểm đó, số tiền phải đóng để chuyển đổi mục đích lên hơn 40 triệu đồng nên gia đình tôi không có đủ tiền đóng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dừng lại từ đó cho đến nay. Khi làm hồ sơ thủ tục tôi không làm giấy ủy quyền để con gái tôi Trương Thị Ngọc Thịnh đứng tên trên diện tích tôi đã mua”, ông Thành nhớ lại.

Tuy nhiên, 4 năm sau, vào ngày 23/2/2013, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hàm Tân đã xác nhận nội dung chuyển quyền sang bà Trương Thị Ngọc Thịnh tại trang 4 của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 724165. Việc sang tên sổ đất này vợ chồng ông Trương Công Thành không hề hay biết. “Tôi không hiểu Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hàm Tân căn cứ vào đâu mà sang tên sổ đỏ của bà Châu qua con gái tôi mà không hề mời tôi làm việc. Khi bán đất cho hai cha con tôi vào năm 2003, bà Châu chỉ làm 1 giấy chuyển nhượng. Trong đó thể hiện rất rõ tên hai người nhận chuyển nhượng và diện tích đất. Nhưng năm 2013, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hàm Tân lại xác nhận nội dung chuyển quyền sử dụng đất sang tên một mình con gái tôi là Trương Thị Ngọc Thịnh? Liệu việc chuyển quyền này có đúng quy định của Nhà nước”, ông Thành bức xúc cho biết.

 Những điểm cần làm rõ ở một bản án

Ngày 26/2/2013, bà Trương Thị Ngọc Thịnh mang sổ đỏ đi thế chấp vay vốn làm ăn với bà Phạm Thị Kim Trinh (ngụ khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân). Hai bên đã đến Phòng công chứng La Gi để công chứng hợp đồng sang nhượng quyền sử dụng đất. Đến ngày 22/4/2016, bà Trinh khởi kiện bà Trương Thị Ngọc Thịnh ra Tòa án Hàm Tân để “đòi lại tài sản” và “tranh chấp hợp đồng thuê nhà”.

Tại hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bà Trinh trình bày: Ngày 26/2/2013, bà Trinh nhận chuyển nhượng 2 căn nhà và đất của bà Trương Thị Ngọc Thịnh và chồng là ông Nguyễn Công Danh. Hai bên đã đến Phòng công chứng La Gi để chứng thực hợp đồng. Ngày 22/4/2013, bà Trinh được UBND huyện Hàm Tân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Số tiền chuyển nhượng thực tế là 350 triệu đồng. Theo đó, bà Trinh giao cho bà Thịnh 100 triệu đồng vào ngày chứng thực hợp đồng, 100 triệu đồng là tiền cọc đưa trước, còn 150  triệu đồng là tiền bà Thịnh mượn trước đó. Sau khi chuyển nhượng, do không có nhu cầu ở nên bà Trinh cho bà Thịnh, ông Danh và vợ chồng Trương Công Thành, Trần Thị Thạnh thuê lại với giá 500.000 đồng/hộ.

Như vậy, có thể thấy đến ngày 22/4/2013, bà Trinh đã được công nhận là người sở hữu mảnh đất số AD 724165. Theo lẽ thường, bà Trinh hoàn toàn có quyền đòi lại tài sản nếu sau một thời gian bà Thịnh, ông Thành không trả tiền thuê nhà. Tuy nhiên, vào ngày 30/3/2014, bà Phạm Thị Kim Trinh chấp nhận để ông Trương Công Thành viết giấy cam kết với nội dung “Nếu hàng tháng tôi góp không đúng hẹn thì vợ chồng tôi cùng các con sẽ giao nhà lại cho cô Trinh trọn quyền sử dụng...”. Giải thích về giấy cam kết trên, ông Trương Công Thành cho biết: “Vào thời điểm trên, con gái tôi muốn vay 100 triệu đồng của bà Trinh để làm ăn, nhưng vợ chồng bà Trinh yêu cầu tôi phải viết giấy cam kết là con gái tôi phải trả mỗi tháng 6 triệu đồng. Vì nghĩ mỗi tháng trả 6 triệu đồng không khó nên tôi đã viết. Nội dung của giấy cam kết do bà Trinh đọc cho tôi viết”, ông Thành nói.

Việc ông Thành viết giấy cam kết với nội dung vợ chồng ông và các con sẽ giao nhà lại cho bà Trinh trọn quyền sử dụng có điều bất hợp lý. Bởi năm 2013, bà Trinh đã nhận chuyển nhượng 2 căn nhà và đất từ vợ chồng bà Trương Thị Ngọc Thịnh. Nhưng bà Trinh vẫn chấp nhận để ông Thành viết giấy cam kết như trên. Điều này không khác gì bà Trinh cho người muốn vay tiền dùng chính tài sản của bà Trinh để đảm bảo vay vốn?

Liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã ký với bà Trinh, bà Thịnh cho biết: Trước khi thực hiện việc ký hợp đồng tại Văn phòng công chứng La Gi, bà Trinh nói với tôi là việc ký hợp đồng chỉ là hình thức, khi nào tôi trả hết số nợ thì bà sẽ hủy bỏ bản hợp đồng. Do nghi ngờ nên trong quá trình trao đổi với bà Trinh, tôi đã âm thầm ghi lại nội dung cuộc trò chuyện. Tuy nhiên khi ra tòa, tôi cung cấp bản ghi âm này, Tòa án Hàm Tân lại cho rằng tôi ghi sau khi hợp đồng hoàn thành nên không coi đây là chứng cứ.

Bản ghi âm cuộc nói chuyện giữa bà Trinh và bà Thịnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với vụ việc. Tuy nhiên sự khác nhau về thời gian thực hiện cuộc ghi âm giữa lời bà Thịnh khai với bản án của Tòa án Hàm Tân lại không được Tòa phúc thẩm xem xét đến. Theo một số chuyên gia công nghệ thông tin thì việc xác định thời gian thực hiện cuộc ghi âm không khó. Ở file gốc của bản ghi âm thể hiện thông tin rất cụ thể ngoài dung lượng file còn thể hiện cả ngày, giờ cuộc ghi âm được thực hiện. Bà Trương Thị Ngọc Thịnh cho biết, hiện bà vẫn giữ thẻ nhớ chứa bản ghi âm gốc, các ngành chức năng hoàn toàn có thể đưa thẻ nhớ này đi giám định xác định thời gian thực hiện cuộc ghi âm.

Trước những khuất tất trong vụ việc của ông Trương Công Thành, đề nghị các ngành chức năng điều tra, xem xét lại quá trình chuyển nhượng với diện tích đất mà ông Trương Công Thành, bà Trương Thị Ngọc Thịnh đã mua của bà Nguyễn Thị Kim Châu để gia đình ông Thành có nơi thờ cúng 2 liệt sĩ.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một gia đình liệt sĩ có nguy cơ không còn nhà ở