Theo dõi trên

Mũi Né: Tiểu thương bức xúc với chợ tự phát

05/06/2017, 08:58

BT- Phần đông tiểu thương tại chợ Mũi Né (Phan Thiết) phản ánh sự tồn tại chợ tự phát ngay phía sau chợ mới, khiến việc buôn bán của họ rơi vào cảnh ế ẩm, thất thu.

                
Cảnh mua bán ở chợ tự phát trong hẻm 30    đường Chế Lan Viên.

Nhiều bất lợi

Chị Trương Thị Bích Hồng (tiểu thương hàng thịt chợ Mũi Né) bức xúc: “Chúng tôi góp vốn vài chục triệu đồng vào xây dựng chợ để được kinh doanh và làm đầy đủ nghĩa vụ từ đóng thuế, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... Trong khi họ tự bày bán trong hẻm và ngoài đường Chế Lan Viên, không tốn kém chi phí, vừa làm ảnh hưởng trật tự đô thị vừa không đóng thuế… gây thiệt hại đến quyền lợi của những người kinh doanh chính đáng”.

Tương tự bà Trần Thị Linh (tiểu thương rau củ) và các tiểu thương khác cho biết, doanh thu các tiểu thương trong chợ giảm nhiều; kể từ khi hình thành chợ tự phát phía sau. Phần đông khách đều mua hàng ở chợ tự phát vì không phải gửi xe, chưa kể giá lại rẻ hơn nhờ không phải đóng thuế hoặc một số loại rau, thịt, cá do họ tự trồng, tự đánh bắt...

Chợ tự phát trong hẻm 30 đường Chế Lan Viên này hình thành 3 năm nay. Vốn dĩ hẻm đã nhỏ, việc mua bán tấp nập khiến người dân sống trong hẻm phải chen chúc mỗi khi ra vào nhà. Nước rửa cá, tôm, hải sản chảy ra hôi thối không có đường ống thoát ảnh hưởng đến cuộc sống người dân… mặc dù người dân đã kiến nghị nhiều lần trong các cuộc họp khu phố. Đó là phản ánh của ông Nguyễn Văn Tức (khu phố 5 – Mũi Né).

 Ban quản lý có “thỏa hiệp” không?

Hẻm 30 đường Chế Lan Viên nối với mặt sau chợ Mũi Né dài khoảng 150 m, rộng 2 m, có gần 100 hộ bán thịt cá, quần áo, rau củ quả, xoong chảo, chén bát… không còn một chỗ trống. Người mua người bán tấp nập, không khác gì một cái chợ thu nhỏ. Mặt đường hẻm này luôn trong tình trạng ướt át, hôi tanh. Các hộ kinh doanh tại chợ tự phát đều phải đóng phí hàng ngày cho Ban quản lý chợ Mũi Né, trả tiền mặt bằng cho các chủ nhà vài chục ngàn đồng/ngày; tùy thuộc mặt hàng, nhiều hay ít.

Chị Lê Thị Liễu (kinh doanh quần áo chợ tự phát) tiết lộ: “Trước đây tôi có sạp trong chợ Mũi Né, buôn bán ế ẩm, tôi đành sang sạp cho người khác và bán ở hẻm. Tuy bán ở hẻm hàng hóa chạy hơn, nhưng phải  đóng nhiều khoản như tiền thuê mặt bằng cho chủ nhà 40.000 đồng/ngày, tiền gửi hàng hóa 20.000 đồng/ngày, tiền đóng Ban quản lý chợ 10.000 đồng/ ngày?!”.

 Sắp xếp là giải pháp căn cơ

Được biết, chợ Mũi Né mới được đầu tư xây dựng hơn 12 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa, với hơn 400 tiểu thương đóng góp. Sau khi chợ mới đi vào hoạt động, chợ tự phát cũng hình thành theo kiểu “chợ ăn theo chợ”.

“Để bảo vệ quyền lợi tiểu thương chợ Mũi Né, UBND phường phối hợp Ban quản lý chợ di dời các hộ kinh doanh tự phát này đi nơi khác. Trong thời gian tới, UBND phường sẽ quyết liệt hơn, giải quyết dứt điểm chợ tự phát, trả lại sự thông thoáng đường đi cho người dân cũng như quyền lợi kinh doanh của các tiểu thương của chợ Mũi Né”, bà Nguyễn Thị Thúy Loan - Phó Chủ tịch UBND phường Mũi Né cho biết.

Rõ ràng thiếu biện pháp căn cơ, lâu dài nên cứ sau mỗi đợt ra quân dọn dẹp lòng lề đường, mua bán tự phát thì đâu lại vào đó. UBND phường Mũi Né cần phối hợp Ban quản lý chợ có kế hoạch sắp xếp, bố trí nơi phù hợp cho các hộ kinh doanh tự phát này có chỗ bán để thuận lợi kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, quản lý thu thuế… cũng như tạo sự công bằng trong kinh doanh.   

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mũi Né: Tiểu thương bức xúc với chợ tự phát