Theo dõi trên

Vướng mắc di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư?

20/01/2019, 10:25

BTO- Cách đây hơn hai năm HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13 về phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016-2020. Trong đó, xác định việc di dời các cơ sở sản xuất Công nghiệp –Tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), dịch vụ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư tập trung. Việc di dời bảo đảm hoàn thành trước ngày 1/7/2019. Song, trong quá trình thực hiện đã gặp những vướng mắc làm chậm tiến độ.

                
      Cơ sở chế biến cá cơm trong khu dân cư ở Mũi Né

Vướng mắc từ chính sách

Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở sản xuất CN-TTCN, cơ sở dịch vụ nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Để di dời các cơ sở này ra xa khu dân cư tập trung, tháng 3/2017 UBND tỉnh có kế hoạch giao cho UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện. Đồng thời, giao trách nhiệm cho sở Công thương phối hợp với sở Tài nguyên – Môi trường và các ngành liên quan tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch các điểm công nghiệp tập trung để bố trí di dời các cơ sở sản xuất, dịch vụ nằm trong khu dân cư đô thị tại thành phố Phan Thiết và thị xã la Gi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện việc di dời đã gặp những vướng mắc về quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, có việc tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất CN -TTCN, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động trong khu dân cư. Sở Công thương đã phối hợp với các ngành triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Song, qua ý kiến của sở Tư Pháp thì chính sách hỗ trợ di dời là biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì chính sách này phải được HĐND tỉnh ra Nghị quyết để quy định. Để xây dựng chính sách hỗ trợ này cần phải xác định rõ đối tượng, kinh phí thực hiện việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động trong khu dân cư vào khu sản xuất tập trung. Mặt khác, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì một trong các biện pháp xử lý là di dời đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài nguyên –Môi trường chưa ban hành tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các văn bản pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện hành không quy định về phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường và việc bắt buộc di dời các cơ sở gây ô nhiễm (trước đây có thông tư 04 ngày 8/5/2012 của Bộ Tài nguyên – Môi trường quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nay đã hết hiệu lực thi hành. Hiện Tổng cục Môi trường đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi).

                
   
      Lò hấp cá cơm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường

Biện pháp tháo gỡ.

Để tháo gỡ những vướng mắc nói trên, UBND tỉnh đã xác định các biện pháp cụ thể để di dời cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, nhằm bảo đảm hoàn thành trước ngày 1/7/2019.

Vào tháng 6/2018 UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện, thị, thành phố rà soát quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn quản lý để ban hành danh mục các cơ sở sản xuất CN-TTCN, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm đang hoạt động trong khu dân cư không phù hợp với quy hoạch; sau đó, xây dựng kế hoạch di dời. Tiếp theo ngày 13/11/2018 UBND tỉnh có công văn số 4867 giao UBND các huyện, thị, thành phố rà soát, lập danh sách các cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm. Trong đó, chú ý xác định cụ thể cơ sở gây ô nhiễm, hoạt động không phép, hết hạn cấp phép để yêu cầu chấm dứt hoạt động; không cấp mới; không gia hạn cho các cơ sở này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở không chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. UBND tỉnh cũng giao cho sở Công thương, sở Tài nguyên –Môi trường khẩn trương nghiên cứu và xây dựng chính sách hỗ trợ di dời sau khi có quy định, hướng dẫn của Trung ương trình cấp thẩm quyền xem xét, ban hành. Trước mắt, các sở, ngành, địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, dịch vụ hoạt động tự phát, không được chấp thuận đầu tư, không có hồ sơ bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường…để xử lý nghiêm minh.

HỒ NHẬT



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vướng mắc di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư?