Theo dõi trên

Xử lý rác ven biển - sao không bắt đầu từ “gốc”

31/01/2018, 09:44

BT- Những ngày cuối năm, tôi có dịp về thôn Hà Thủy 2, xã Chí Công (Tuy Phong). Cũng giống như cuộc sống của nhiều vùng biển khác, dân cư ở đây khá đông đúc. Một bên là nhà ở chi chít dày đặc, sát bên là các bãi sò ngay bờ biển. Con đường vào xóm quanh co, dốc và gập ghềnh khó đi. Sau nhiều năm, cuộc sống người dân đã đổi thay khá nhiều với nhiều nhà xây kiên cố, hệ thống điện, nước máy sinh hoạt được đưa đến tận các hộ gia đình. Duy chỉ có nơi gom rác sinh hoạt thì vẫn như bao năm nay là… đổ xuống biển. Bãi sò ngay trước mặt gia đình bà Sáu có lẽ là điểm tập kết rác…lý tưởng. Bởi từ trong các con hẻm nhỏ, hàng ngày người dân vẫn ngang nhiên “gánh” những cây chổi, cành cây, túi ni lông, thức ăn thừa… đến đây để mặc nước biển cuốn đi. Có lẽ với những người “lạ” như tôi, chuyện này có vẻ không bình thường, nhưng với người dân sống lâu năm ở đây thì đó là chuyện hiển nhiên trong cuộc sống.

                
Đoàn viên thanh niên thu gom rác tại bãi    biển Chí Công.

Mang những thắc mắc này hỏi bà Sáu, tôi được giải thích: “Không đổ xuống biển thì mang đi đâu”. “Vậy tại sao xã lại không bố trí xe rác nhỏ tới thu gom đến nơi tập kết?- Tôi hỏi. Bà Sáu bình thản nói: “Người dân ở đây muốn kiếm tiền dễ lắm, chỉ cần đến bãi sò là có việc làm nên không ai nhận trách nhiệm gom rác cả”. Vậy là tôi đã rõ, và hiểu vì sao dòng kênh rác tồn tại ngay chợ Chí Công lâu nay vẫn không thể vơi đi mà còn chất đầy theo thời gian, bốc mùi hôi thối.

Tại Bình Thuận, rác thải ven biển là đề tài không mới, thậm chí đây còn được coi là vấn nạn nhức nhối bao năm nay của chính quyền các địa phương, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Không chỉ riêng xã Chí Công, Phan Rí Cửa (Tuy Phong) mà nhiều bãi biển khác như Mũi Né, La Gi… đều có chung tình trạng. Điều này dẫn đến môi trường sống bị hủy hoại, hình ảnh du lịch cũng bị mất điểm trong lòng du khách…

Trong năm 2017, khi chứng kiến hình ảnh rác ngập tràn nhiều bãi biển, không ít đoàn viên thanh niên huyện Tuy Phong đã ra quân dọn dẹp, làm sạch bãi biển nhưng chỉ giải quyết tức thời, sau một thời gian đâu lại vào đấy.

Để giải quyết từ “gốc” của vấn đề, thiết nghĩ chính quyền các xã vùng biển cần đóng vai trò cốt lõi trong việc vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác trong bảo vệ môi trường. Có giải pháp mạnh tay hơn nhằm thay đổi thói quen vứt rác ra biển của bà con. Nói cần đi đôi với làm. Trước hết, chính quyền các xã vùng biển cần hình thành mạng lưới thu gom rác đến từng thôn, xóm, lấy rác theo lịch hàng tuần. Có nơi tập kết rác, bà con mới có thể thay đổi từ nhận thức đến hành động để bảo vệ môi trường biển.                                      

Trung Lương



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý rác ven biển - sao không bắt đầu từ “gốc”