Theo dõi trên

Xung quanh việc khai thác cây dương và đường xuống biển trong Dự án thung lũng Đại Dương

19/09/2019, 09:10 - Lượt đọc: 66

BT- UBND xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết vừa tổ chức cuộc họp trả lời ý kiến cử tri liên quan đến việc khai thác cây dương và đường xuống biển trong Dự án tổ hợp thung lũng Đại Dương trên địa bàn xã. Đến dự họp có nhiều người dân cả được mời và không được mời. Thay vì bình tĩnh cùng chính quyền địa phương trao đổi giải quyết vấn đề, có người đã thể hiện hành động thái quá, thậm chí sử dụng ngôn từ nặng nề với lãnh đạo địa phương, khiến cuộc họp trở nên thiếu nghiêm túc. 

                
   Công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở xã    Phan Hiệp đang được triển khai rất tốt.

Nguyên nhân của vấn đề

Vụ việc bắt đầu xảy ra trên diện tích 2,49 ha mặt tiền  biển của Dự án tổ hợp khu du lịch thung lũng Đại Dương do Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận làm chủ đầu tư có khoảng hơn 400 cây dương hơn 30 năm tuổi và một con đường mòn tự phát. Khi triển khai việc đầu tư xây dựng dự án, chủ dự án xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về việc khai thác cây dương và được đồng ý. Tuy nhiên khi chặt hạ dọn sạch lại vấp phải sự phản đối của một số hộ dân cho rằng như vậy là phá rừng phòng hộ, đồng thời không cho dự án đụng đến con đường mòn xuống biển nằm giữa diện tích của dự án.

Trả lời người dân, UBND xã Tiến Thành cho biết, cây dương được trồng từ năm 1986 nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng do UBND xã Tiến Thành trồng và quản lý... Nhằm tạo điều kiện cho dự án sớm có mặt bằng để thi công, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm đếm số cây dương. UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho UBND xã Tiến Thành. Đến nay đã hoàn thành việc tận thu cây dương, chủdự án thung lũng Đại Dương hỗ trợ phương tiện chặt hạ, thu dọn gốc dương tạo mặt bằng cho dự án thi công... Về con đường xuống biển, sau khi hoàn thành xây dựng khu dân cư mặt tiền đường ĐT719 nhằm phục vụ tái định cư cho các hộ bị giải tỏa làm dự án, những năm qua người dân kiến nghị mở con đường xuống biển đối diện khu tái định cư để thuận tiện cho việc đi lại của các hộ làm biển. Thực hiện theo kiến nghị của người dân, UBND xã Tiến Thành vận động chủ đầu tư dự án bỏ kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường giáp ranh giữa dự án thung lũng Đại Dương và Khu du lịch Trùng Dương...

Tuy nhiên, người dân cho là không đúng đã lớn tiếng cho rằng, toàn bộ những hàng dương ven biển do người dân trồng sau cuộc vận động trồng rừng những năm 1979 – 1985 để ngăn gió bão, bảo vệ bờ biển. Còn con đường mòn xuống biển, họ không đồng ý giao cho dự án vì nó có trước năm 1975, người dân lưu thông từ đó đến nay, nếu tỉnh muốn lấy con đường đó bán cho dự án thì phải thu hồi...

Thông thường trong bất cứ cuộc họp hay cuộc nói chuyện nào cũng vậy phải có người nói người nghe, nhưng tại cuộc họp chủ yếu người dân giành phần nói. Một số người dùng những hành động, ngôn từ quá nặng nề khiến công an phải can thiệp. Trong khi chính quyền địa phương – nơi chỉ có nhiệm vụ phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện theo chủ trương của tỉnh, rất cần người dân hợp tác để nghe họ trình bày giải thích.  

Ngành chức năng nói gì?

Nhiều người dự họp dù không nói ra nhưng tỏ ra không hài lòng, đến cả ông Nguyễn Nam Long – Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết phát biểu nhưng người dân vẫn chen ngang, buộc ông phải nói: “Bà con hãy để cho tôi nói. Khi bà con nói tôi lắng nghe, không hề nói một lời nào. Vẫn biết là người dân bức xúc, nhưng cũng cần giữ bình tĩnh nếu không ảnh hưởng đến người khác. Giải quyết một vấn đề lớn không phải một người, hay một cơ quan, tổ chức mà liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều người và đặc biệt là phải có thời gian”.

Được biết, việc khai thác cây dương và vấn đề con đường xuống biển đều có liên quan đến chủ trương của tỉnh. UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất cho Công ty Delta – Valley với diện tích 50182,7 m2. Ông Nguyễn Nam Long – Phó Chủ tịch UBND thành phố đã phân tích, giải thích cho người dân hiểu. Chủ trương của tỉnh khai thác thế mạnh du lịch ven biển phíanam của thành phố, những năm gần đây đã thu hút nhiều dự án, cần phải đầu tư nhiều tuyến đường tạo bộ mặt cho khu du lịch. Những con đường cũ sẽ không tồn tại thay thế bằng những con đường mới to, đẹp hơn.

Việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cơ quan chức năng và của mỗi người dân, chứng kiến việc hàng trăm cây dương xanh mát bảo vệ bờ biển lâu nay bị chặt hạ, chắc chắn người dân ai cũng phải xót. Người dân xã Tiến Thành đang mong chờ một không gian xanh hiện đại thay thế, chứ không phải là tòa nhà bê tông cao vút che khuất tầm nhìn vẻ đẹp của biển trong mắt mọi người.

    
      Theo giấy nộp tiền vào Kho bạc nhà nước tỉnh, UBND xã Tiến Thành đã nộp   vào ngân sách nhà nước số tiền tận thu cây dương ven biển thuộc  dự án thung lũng Đại Dương   là 90 triệu đồng.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung quanh việc khai thác cây dương và đường xuống biển trong Dự án thung lũng Đại Dương