Theo dõi trên

Ý kiến trái chiều về các hoạt động tại Công viên Võ Văn Kiệt

02/03/2021, 09:04

BT- Xuất hiện giữa thời điểm người dân thành phố đang “khát” không gian xanh, Công viên Võ Văn Kiệt trở thành một trong những công trình của lòng dân. Cho đến nay công viên đã hoạt động ổn định, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

                
      Một góc Công viên Võ Văn Kiệt.

Công viên Võ Văn Kiệt nằm trên khu đất rộng hơn 4 ha ở phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết, đi vào hoạt động cuối năm 2015 với hệ thống cây xanh, sân vườn, đường giao thông nội bộ, các khu tập thể thao, hệ thống điện chiếu sáng… Qua gần 5 năm hoạt động xảy ra nhiều sự cố, nay đã đi vào ổn định sau khi lực lượng thanh niên thành phố tiếp quản.

Trước đây, công viên được giao cho UBND phường Phú Thủy quản lý vì nằm trên địa bàn phường. Do tọa lạc ở vị trí trung tâm thành phố, rộng rãi, sạch đẹp, thoáng mát nên thu hút khá đông người dân đến vui chơi. Từ đó hình thành  dịch vụ ăn theo đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt cho trẻ em. Ban đầu chỉ vài dịch vụ, sau đó tăng lên, rồi tranh giành khách, tệ nạn ma túy xuất hiện. UBND phường Phú Thủy kiến nghị UBND thành phố những khó khăn bất cập trong quản lý công viên. Sau đó thành phố giao lực lượng thanh niên xung kích thành phố tiếp quản. Ông Ngô Văn Đồng - Chỉ huy trưởng lực lượng thanh niên xung kích thành phố cho biết: “Sau khi họp nhiều bên bàn giải pháp quản lý công viên, cuối cùng đi đến quyết định giao cho chúng tôi. Điều này cũng đúng vì lực lượng xung kích là đơn vị sự nghiệp nhưng không có nguồn thu, hàng năm hoạt động hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước cấp”.

Tại công viên, lực lượng xung kích thu từ các hoạt động cho thuê gồm: trò  chơi câu cá, nhà banh, tô tượng, xe ô tô điện, bãi giữ xe... Hiện công viên có khoảng 40 gian hàng trò chơi được cấp phép hoạt động mỗi tháng trả tiền thuê mặt bằng từ 250.000 – 600.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng công viên đang hoạt động “sai mục đích”. Bởi xuất phát từ quan niệm: Công viên là “lá phổi xanh” để người dân đến vui chơi, giải trí, ngắm cảnh và là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp hạng thành phố. Ở nước ngoài, công viên thường gợi cảm giác bình yên - người ta đến công viên để nghỉ ngơi, để đọc sách… Ông N.V.K ngụ phường Xuân An bày tỏ: “Công viên chớ không phải nhà văn hóa thiếu nhi mà cho thuê kinh doanh làm mất đi ý nghĩa của công viên”. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nên có vài khu vui chơi để cho trẻ con trong thành phố đến vui chơi, sinh hoạt, bởi thành phố hiện nay đang thiếu công viên thiếu nhi.

Trao đổi những ý kiến của người dân, ông Ngô Văn Đồng giải thích: Hiện trong công viên chia làm 2 khu, gồm khu tập trung cho hoạt động của trẻ em và khu vực dành cho người lớn đến thư giãn, tập thể dục... Việc phân bổ khu vực và gian hàng dịch vụ  vui chơi đảm bảo không gian hợp lý. Chúng tôi đã chỉ đạo cho lực lượng xung kích đảm bảo an ninh trật tự, để người dân an tâm khi đến công viên. 

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ý kiến trái chiều về các hoạt động tại Công viên Võ Văn Kiệt