Theo dõi trên

Bảo hiểm y tế đồng hành cùng người bệnh 

16/11/2020, 13:45 - Lượt đọc: 12

 Với mục tiêu an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) được coi như chiếc phao cứu sinh cho người bệnh, góp phần chia sẻ nguy cơ bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh cho người dân; nhất là đối với người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mắc các bệnh hiểm nghèo.

Bệnh nhân chữa trị tại Khoa Thận nhân tạo  bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam.

Bệnh nhân mắc bệnh thận điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam được BHYT chi trả chi phí chữa trị với các mức hưởng khác nhau. Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam đang điều trị thường xuyên cho 56 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Trong đó, 100% bệnh nhân có thẻ BHYT và được BHYT thanh toán chi phí điều trị theo mã quyền lợi quy định cụ thể đối với từng đối tượng, với các mức hưởng 100%, 95% và 80%. Với  mức chi phí trung bình mỗi bệnh nhân khoảng từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, nếu không có chính sách BHYT thì nhiều bệnh nhân sẽ phải bỏ dở điều trị vì chi phí cao và phải điều trị liên tục trong thời gian dài.

 Có mặt tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam, chúng tôi mới hiểu được ý nghĩa của chính sách BHYT đối với người nghèo và cận nghèo. Mới 8 giờ sáng mà tại khoa Thận nhân tạo, các giường bệnh đã kín người nằm. Tiếp chuyện với chúng tôi khi đang chạy thận, ông Trần Viết Tứ, 59 tuổi, ở xã Mê Pu, huyện Đức Linh tuy có mệt mỏi nhưng vẫn rất vui vẻ, nhiệt tình.

Phát hiện bị suy thận đã hơn 3 năm nay, gia đình lại có hoàn cảnh khó khăn, các con đều đi làm ăn xa, gia đình còn 2 vợ chồng già chăm sóc nhau; ông là lao động chính trong gia đình. Vì thế, việc bị suy thận đã khiến gia đình lo lắng khi nghĩ đến số tiền điều trị bệnh và chi phí ăn, đi lại khi phải đến Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam cách nhà gần 20km để điều trị liên tục trong thời gian dài.

Ông Tứ cho biết: Từ khi được cấp thẻ BHYT hộ cận nghèo gia đình tôi đỡ gánh nặng cho tôi rất nhiều, mặc dù chi trả 5% tiền thuốc, nhưng mỗi tháng phải đóng thêm gần 1 triệu đồng, chưa tính tiền chi phí ăn, tiền xăng xe đi lại nữa là khó khăn lắm. Nếu không có BHYT, người nghèo lại bệnh tật như tôi chắc không thể duy trì được đến hôm nay.

 Bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Tấn Huynh, Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam cho biết: Trước đây, những người phải chạy thận nhân tạo coi như “lãnh án tử”. Cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc; mỗi tuần phải đến bệnh viện 3 lần để lọc máu và lấy thuốc. Chi phí để điều trị các bệnh lý này đối với những người có hoàn cảnh khó khăn là quá sức. Khi bệnh nhân không còn khả năng chi trả thì cũng là lúc phải ra đi. Nhưng nếu những ai đã tham gia BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị, bệnh nhân nghèo phải chạy thận được thắp lên hy vọng sống và làm việc, ổn định được tâm lý, hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị.

Tại Bệnh viện Ða khoa khu vực phía Nam, 10 tháng đầu năm 2020 đã có hơn 160.000 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT với tổng số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán trên 56,2 tỉ đồng. Với số tiền mua thẻ BHYT 804.600 đồng/năm (đối với thành viên thứ nhất trong gia đình), người thứ 2, 3, 4 lần lượt được giảm dần 30%, 40%, 50% so với người thứ nhất và người thứ 5 trở đi được giảm 60% và mệnh giá thẻ chỉ còn 321.840 đồng/ năm, nhưng khi chẳng may ốm đau, bệnh tật người tham gia BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả tiền khám, chữa bệnh lớn hơn gấp nhiều lần từ sự chia sẻ của cộng đồng qua chính sách này.

Xác định BHYT là chính sách lớn góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tiến đến công bằng trong việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, BHXH Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp để mở rộng đối tượng và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. BHXH tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh truyền thông với nhiều hình thức phù hợp, đặc biệt chú ý tuyên truyền các nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chế độ, chính sách pháp luật về BHYT để nắm bắt những bất cập, kịp thời có giải pháp khắc phục; tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại cơ sở; củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn toàn tỉnh…

Từ đó, tỷ lệ người tham gia BHYT ngày càng tăng, tính đến tháng 10/2020, đối tượng tham gia BHYT đạt 989.831 người, tỷ lệ bao phủ đạt 85,5%. Thời gian tới, BHXH Bình Thuận sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Y tế cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh. Qua đó tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được khám, điều trị hiệu quả bằng thẻ BHYT.

Phương Danh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo hiểm y tế đồng hành cùng người bệnh