Theo dõi trên

Giải pháp nào để doanh nghiệp bớt nợ BHXH, BHYT?

29/12/2018, 10:42

BTO- Nợ BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN)của các đơn vị sử dụng lao động kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi, sức khỏe của người lao động. Năm 2018, tuy số nợ có giảm so với năm trước, nhưng tỷ lệ nợ vẫn còn khá cao, chiếm 6,8% kế hoạch thu. Vậy, nguyên nhân do đâu và giải pháp khắc phục nợ nói trên như thế nào? Báo Bình Thuận điện tử có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Thông, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh và ông Phạm Đình Cang, Trưởng phòng khai thác và thu nợ - Bảo hiểm xã hội tỉnh xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, đến thời điểm này tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN như thế nào?     

Tổng số nợ BHXH, BHTN, BHYT, BHTNLĐ-BNN đến 30/11/2018 trên 138 tỷ đồng, chiếm 6,8% kế hoạch thu, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2017 (trong đó, ngân sách nhà nước nợ tiền đóng và hỗ trợ đóng BHYT hơn 44 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,7% trên tổng số nợ), nếu không tính khoản nợ từ ngân sách tỉnh đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng thì tỷ lệ nợ là 4,66%.Tỷ lệ nợ như trên là khá cao so với nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là trong năm 2018 đã có thêm nhiều đơn vị, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng theo quy định, không để nợ chậm đóng – nợ gối đầu, trên một tháng, nhiều đơn vị đã kịp thời khắc phục số tiền nợ trong nhiều tháng… góp phần đủ điều kiện giải quyết kịp thời quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động được hưởng.

 Có thể nói, tình hình nợ hiện nay chủ yếu ở các doanh nghiệp, tập trung nhiều nhất tại địa bàn thành phố Phan Thiết. BHXH đang triển khai nhiều giải pháp tích cực công tác thu, thu hồi nợ BHXH, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ xuống mức dưới 2,5%.


Vậy nguyên nhân chủ yếu các doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN, BHYT kéo dài do đâu?

Đó là: Một bộ phận chủ doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm pháp luật về BHXH, BHYT; chưa thật sự quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người lao động được pháp luật thừa nhận và bảo vệ là được tham gia BHXH, BHYT, BHTN và được giải quyết chế độ đầy đủ, kịp thời; chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT, BHTNLĐ-BNN được quy định tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, việc áp dụng còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe. Công tác khởi kiện các đơn vị để nợ tiền BHXH, BHTN, BHYT còn vướng mắc, chưa thực hiện được. Thực tế, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn; một số chủ sử dụng lao động tìm cách “lách luật” để trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT cho người lao động, như giảm lao động chính thức và tăng lao động thời vụ, chưa đăng ký tham gia đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa thực hiện việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng theo quy định. Một số đơn vị hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng, đã thực hiện việc báo giảm hết số lao động… dễ dẫn đến phát sinh nợ BHXH kéo dài.

Với những nguyên nhân chủ quan nêu trên dẫn đến nhiều doanh nghiệp cố tình để nợ BHXH, BHYT, BHTN, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động, nhưng chưa được xử lý kịp thời.

Ông hãy nêu vài trường hợp cụ thể doanh nghiệp nợ kéo dài đã ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống người lao động?                  

Một số trường hợp cụ thể để nợ kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống người lao động như: Công ty CP TVXD Bình Thuận có 28 lao động, nợ BHXH từ tháng 5/2013 đến nay với số tiền là trên 4 tỷ đồng; Cty TNHH Phân bón hữu cơ Greenfield có 75 lao động, nợ BHXH từ tháng 3/2017 đến nay gần 3 tỷ đồng; Công ty CP Chế biến thủy hải sản Kỳ Lân có 258 lao động, nợ BHXH đến thời điểm 30/11/2018 là 7 tháng với số tiền gần 2 tỷ đồng;  Chi  nhánh Công ty CP Đầu tư 577 Bình Thuận có 13 lao động, nợ BHXH đến thời điểm 30/11/2018 với số tiền trên 188 triệu đồng (nợ 8 tháng).

Các doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài dẫn đến quyền lợi của NLĐ không được thực hiện kịp thời, thậm chí không đủ điều kiện để giải quyết các chế độ như ốm đau, thai sản, nghỉ việc…, ảnh hưởng đến đời sống của bản thân, gia đình của NLĐ.

 Thực tế đã có nhiều trường hợp NLĐ rất bức xúc khi ốm đau không được thăm khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT; nghỉ thai sản không được thanh toán chế độ; nghỉ việc không được trợ cấp BHTN; khi chuyển làm việc ở Cty khác không được chốt sổ BHXH để tiếp tục thực hiện ở đơn vị mới kịp thời… những trường hợp như vậy đều do doanh nghiệp nợ BHXH, không quan tâm đến quyền lợi người lao động, trong khi nguyên tắc tham gia bảo hiểm là có đóng mới có hưởng.

Giải pháp chính để thu nợ hiện nay là gì? Thanh tra chuyên ngành đã kiểm tra, xử lý như thế nào đối với các đơn vị nợ BHXH kéo dài?

Hiện nay cơ quan BHXH đang tích cực triển khai các nghiệp vụ như: Gửi văn bản nhắc nhở, đôn đốc thu, thu nợ đến các đơn vị nợ trong toàn tỉnh; phân công cán bộ trực tiếp, thường xuyên đến từng đơn vị để đôn đốc đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho người lao động theo quy định của pháp luật. Đồng thời BHXH tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương, cơ quan Thuế tổ chức thanh tra liên ngành. Qua thanh tra trường hợp đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho người lao động, thì BHXH tỉnh phối hợp chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an đề nghị điều tra xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Từ đầu năm đến nay BHXH tỉnh đã tích cực tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng là 147 đơn vị (thanh tra đột xuất: 90 đơn vị), đạt 188%; yêu cầu đơn vị truy đóng cho 717 lao động với tổng số tiền là trên 1 tỷ đồng; Ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 19 đơn vị với tổng số tiền là 617 triệu đồng. Đã thu hồi được 257 triệu đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật đối với 09 đơn vị đã được thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, đã xử lý vi phạm hành chính nhưng còn tiếp tục nợ BHXH. BHXH tỉnh đã đề nghị và UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt  01 trường hợp là Doanh nghiệp Tư nhân Dịch vụ - Du lịch Suối Tiên Mũi Né với số tiền xử phạt là 89.557.467 đồng. Đồng thời, BHXH đã phối hợp với các sở, ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại 47 đơn vị.

Quá trình thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế đồng thời hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động, yêu cầu các đơn vị khắc phục một số tồn tại liên quan đến việc thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động như: Đóng chưa đúng đối tượng, chưa đúng mức lương và chậm đóng, nợ kéo dài. Qua phối hợp thanh tra liên ngành (với Phòng Cảnh sát kinh tế - công an tỉnh Bình Thuận) đã thu hồi được số nợ BHXH, BHTN, BHYT từ các đơn vị, doanh nghiệp.

Thưa ông, vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc khởi kiện chủ doanh nghiệp nợ vì sao không phát huy được? 

Trong thời gian qua, mặc dù Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp triển khai, hướng dẫn thực hiện; tại địa phương BHXH tỉnh cũng đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Liên đoàn Lao động tỉnh, nhưng đến nay việc thực hiện khởi kiện đơn vị vi phạm Luật BHXH, BHYT, BHTN vẫn chưa thực hiện được.

Khó khăn về khả năng thực tế của các tổ chức công đoàn khi đảm nhiệm nhiệm vụ này là theo quy định của Luật thì người lao động phải ủy quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp; thực tế là từ trước đến nay chưa có được sự ủy quyền nào, nguyên nhân có thể là do người lao động sợ bị sa thải, mất việc nên không dám ủy quyền cho tổ chức công đoàn. Cho nên đến thời điểm hiện nay, tổ chức công đoàn của tỉnh chưa lập hồ sơ đề nghị khởi kiện vụ việc nào.

Được biết, hiện có gần 100 doanh nghiệp nợ khó thu hàng tỷ đồng do các doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động, giảm hết lao động tham gia BHXH… nhiều năm nay. Vậy ngành BHXH đã có kiến nghị gì với cấp có thẩm quyền để xóa nợ?   

 Hiện toàn tỉnh có gần 100 doanh nghiệp nợ BHXH thuộc nhóm nợ khó thu, số tiền nợ trên 5 tỷ đồng, tập trung ở các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giảm hết lao động tham gia BHXH, không còn tại địa chỉ đăng ký kinh doanh - “mất tích”, giải thể, phá sản… Trong đó, có nhiều doanh nghiệp nợ trong nhiều năm nay, đồng nghĩa với nhiều người lao động trong các đơn vị này bị ảnh hưởng về quyền lợi BHXH.

Luật BHXH không có quy định việc xóa nợ hay giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Hiện nay cơ quan BHXH tỉnh tiếp tục theo dõi và chờ hướng dẫn xử lý của BHXH Việt Nam đối với các đơn vị này. Trường hợp phát hiện đơn vị còn hoạt động thì tiếp tục báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với các ngành chức năng đê xử lý theo quy định.

Xin cám ơn ông Đặng Minh Thông và ông Phạm Đình Cang

  LÊ THANH VÀ NGỌC THU (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào để doanh nghiệp bớt nợ BHXH, BHYT?