Theo dõi trên

Học sinh tham gia bảo hiểm y tế quyền lợi ra sao?

15/09/2018, 11:27 - Lượt đọc: 18

BTO- Học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT. Nhưng thời gian qua việc tham gia BHYT của HSSV các cấp học chưa đạt yêu cầu.

Năm học 2017-2018 chỉ có 96,03% học sinh, sinh viên tham gia. Để đạt 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học mới này cần thực hiện các giải pháp đồng bộ của ngành Giáo dục, BHXH, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh.

Báo Bình Thuận điện tử có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Thông, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh và ông Phạm Đình Cang, Trưởng phòng khai thác và thu nợ - Bảo hiểm xã hội tỉnh xung quanh vấn đề này.


   Học sinh, sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, nhưng năm học vừa qua chỉ có 96,03% học sinh, sinh viên tham gia. Vậy nguyên nhân do đâu?  

Trước hết là trẻ em khi sinh ra đến khi bắt đầu vào lớp 1, giai đoạn này được hưởng chính sách BHYT do Nhà nước cấp (trẻ em dưới 6 tuổi). Từ đó, một số phụ huynh có tư tưởng ỷ lại, tiếp tục trông chờ vào chính sách, sự quan tâm của Nhà nước. Thêm nữa, nhiều phụ huynh nghĩ rằng ở lứa tuổi này các em cũng ít khi đau ốm, bệnh tật. Mặt khác, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện BHYT học sinh, sinh viên, đưa chỉ tiêu thực hiện BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) vào tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng bình xét hằng năm của giáo viên, nhà trường. Tuy nhiên, thang điểm chấm cho tiêu chí này vẫn còn khiêm tốn, không ảnh hưởng nhiều đến thi đua hằng năm tại đơn vị. Từ đó, sự quan tâm chỉ đạo của Ban giám hiệu ở một số nhà trường còn lỏng lẻo, hình thức, hiệu quả đạt được chưa cao.

Trang thiết bị vật chất của các cơ sở y tế tuyến xã, phường phục vụ cho việc KCB BHYT còn hạn chế, chất lượng và kết quả điều trị chưa cao. Luật BHYT gọi là bắt buộc, nhưng thiếu biện pháp chế tài, xử phạt đối với những người không tham gia cũng như các đơn vị thực hiện chưa tốt. Một số đơn vị chưa thực sự quan tâm việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, chưa làm tốt công tác vận động và tuyên truyền cho học sinh, sinh viên. 

Luật BHYT quy định HSSV tham gia BHYT tại các trường học, nhưng trong thực tế có nhiều em tham gia ở hộ gia đình để giảm chi phí, như vậy có đúng không?

Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 có hiệu lực 01/01/2015 quy định có 5 nhóm đối tượng tham gia BHYT. Đối tượng thuộc nhiều nhóm thì phải tham gia ưu tiên theo thứ tự từ 01 đến 05. HSSV thuộc nhóm 4, Hộ gia đình thuộc nhóm 5 nên HSSV phải tham gia nhóm 4. Và theo quy định, khi tham gia BHYT học sinh trường Mầm non được trích 5%, cấp tiểu học đến đại học được trích 7% chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học.

Năm học 2018-2019 mức đóng BHYT của HSSV như thế nào? Phương thức đóng có gì khác ? những năm trước thường cấp thẻ chậm, liệu năm học này có khắc phục được không?

Theo quy định Luật BHYT thì HSSV đóng 4,5% mức lương cơ sở nhân với số tháng tham gia, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 3%, HSSV tự đóng 67%. Căn cứ vào hướng dẫn liên ngành: Giáo dục & Đào tạo, y tế, Tài chính và BHXH thì mức đóng 4,5 % mức lương cơ sở tương ứng số tiền học sinh phải đóng để tham gia BHYT là : 1.390.000 đồng x 4,5% x 67% x số tháng tham gia. (học sinh, sinh viên đóng 67% = 502.902 đồng; học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình cận nghèo đóng 10% = 75.060 đồng). 

Năm học trước do cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH, một số HSSV chưa đồng bộ được mã số nên cấp thẻ chậm. Năm học 2018-2019 cơ quan BHXH đã đồng bộ tất cả mã số nên cấp thẻ nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu của người tham gia BHYT

Vậy khi HSSV tham gia BHYT thì quyền lợi được hưởng như thế nào?

 HSSV tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi như: KCB tại cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT; KCB đúng nơi đăng ký ban đầu ghi trên thẻ hoặc theo tuyến chuyên môn kỹ thuật được quỹ BHYT thanh toán theo mức 100% chi phí KCB khi: KCB tại tuyến xã, phường, thị trấn; tổng chi phí của một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tương đương 208.500 đồng); HSSV là con của liệt sỹ; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sống tại các vùng có điều kiện KT-XH khó khăn; HSSV thuộc diện bảo trợ xã hội; HSSV đang sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; sống tại xã đảo, huyện đảo; tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến). Người bệnh lưu giữ chứng từ thu phần chi phí cùng chi trả làm căn cứ để cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Trường hợp vượt quá số tiền trên được cơ quan BHXH chi trả theo quy định.

Thanh toán mức 95% chi phí KCB đối với HSSV thuộc hộ cận nghèo. Thanh toán mức 80% chi phí KCB đối với HSSV còn lại. HSSV khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến (tự đi KCB không đúng tuyến) được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng và tỷ lệ.

Luật BHYT quy định hàng năm ngành BHXH trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các trường học. Vậy, hiện nay có bao nhiêu trường được BHXH trích chuyển kinh phí? Nếu không đủ điều kiện thì hợp đồng cơ sở y tế xã, phường, phòng khám để chăm sóc sức khỏe HSSV có thực thi không?

Tại Điều 18, thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định: Cơ sở giáo dục được cấp kinh phí từ quỹ KCB BHYT để chăm sóc sức khỏe ban đầu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có ít nhất một người chuyên trách hoặc kiêm nhiệm hoặc hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên, trình độ tối thiểu là trung cấp y;

b) Có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho học sinh sinh viên khi bị tai nạn, bị cảm sốt ...

Tại Điều 8 thông tư 13/2016/ TTLT-BGDĐT – BTC quy định: Có phòng y tế riêng; nhân viên y tế trường học có trình độ từ y sỹ trung cấp trở lên hoặc ký hợp đồng với trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực để chăm sóc sức khỏe cho HSSV.  

Hiện nay trong toàn tỉnh có 404 trường được BHXH trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu với hơn 7,6 tỷ đồng, còn 188 trường chưa được chuyển do các trường chưa chuyển hồ sơ cho cơ quan BHXH.

Nhiều phụ huynh học sinh cho rằng mức đóng BHYT của HSSV hiện nay (67% mức đóng) là quá cao đối với nhiều gia đình có mức sống trung bình. Vậy ngành BHXH có kiến nghị gì để bảo đảm 100% HSSV tham gia BHYT?   

 Theo quy định thì HSSV có thể tham gia BHYT theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.

Thời gian qua, BHXH, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Y tế, Sở Tài chính đã có nhiều cuộc họp liên quan đến công tác phát triển BHYT HSSV, đã kiến nghị HĐND, UBND tỉnh hỗ trợ riêng HSSV từ 3% lên 10%. Tỉnh cũng đã kiến nghị Trung ương tăng mức hỗ trợ BHYT cho đối tượng HSSV lên 50% mức đóng.

Xin cám ơn ông Đặng Minh Thông và ông Phạm Đình Cang

LÊ THANH VÀ NGÔ TRÂM (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh tham gia bảo hiểm y tế quyền lợi ra sao?