Theo dõi trên

10 sự kiện biển - đảo nổi bật năm 2016 

24/01/2017, 08:12

 BT- Theo thông lệ, mỗi khi năm hết tết đến, trong vô vàn sự kiện liên quan đến biển - đảo đất nước, ấn phẩm Xuân Bình Thuận lại chọn ra 10 sự kiện nổi bật giới thiệu với bạn đọc.

 1. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 khẳng định giữ vững chủ quyền biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển là yêu cầu cấp thiết

 Thế kỷ XXI được gọi là “Thế kỷ của đại dương”, biển ngày càng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII diễn ra từ ngày 20 - 28/1/2016 tại Hà Nội đã dự báo “Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên biển Đông những năm tới còn diễn ra gay gắt”, khó khăn thách thức nhiều, nhưng cơ hội hợp tác phát triển trên biển cũng lớn. Từ đó Nghị quyết Đại hội khẳng định: Giữ vững chủ quyền biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển là yêu cầu cấp thiết, là chiến lược nhất quán và sự nghiệp lâu dài của đất nước ta.

 2. Sự cố Formosa ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung

Từ tháng 4/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng bè nuôi cá gần Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… Đến cuối tháng 6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh công khai nhận trách nhiệm về sự cố môi trường, xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cam kết bồi thường 500 triệu USD.

Sự cố môi trường biển miền Trung đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành: đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch… Chính phủ đã triển khai các giải pháp để ổn định cuộc sống người dân và khắc phục hậu quả sự cố, tập trung vào bồi thường thiệt hại cho người dân ở 4 tỉnh duyên hải miền Trung.

 3. Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Trường Sa

Năm 2016, Trung Quốc tiếp tục xây dựng, bồi đắp 6 - 7 đảo nhỏ và bãi đá ngầm ở Trường Sa thành đảo nhân tạo và xây dựng trên đó các công trình kiên cố như đường băng, doanh trại, bến cảng… Các đảo mà Trung Quốc đang cải tạo gồm: Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Su Bi…đều thuộc chủ quyền Việt Nam đã bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988.

Chiến lược xây dựng đảo nhân tạo nhằm tạo bàn đạp mở rộng hoạt động hải quân, không quân, tuần duyên và nghề cá, thực hiện tham vọng ở biển Đông của Trung Quốc.

 4. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam “Vì một hành tinh xanh”

Được tổ chức từ 1 - 8/6/2016 tại tỉnh Nam Định, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2016 với nhiều hoạt động: mittinh, ra quân lực lượng thanh niên tình nguyện làm sạch môi trường biển, diễu hành xe đạp tuyên truyền bảo vệ môi trường biển, trồng cây xanh bảo vệ bờ biển… Đồng thời tại 28 tỉnh- thành ven biển treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu và tổ chức nhiều hoạt động mang tính cộng đồng hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.

 5. Mở chiến dịch “Hãy làm sạch biển”

Ngày 19/6/2016, tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đài THVN phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” trên toàn quốc. Chiến dịch này hướng tới có ít nhất 28.000 tình nguyện viên là đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia bảo vệ môi trường biển ở 28 tỉnh - thành ven biển. Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển, hơn 125 bãi biển, bãi tắm, hàng ngàn hòn đảo. Việc giữ gìn biển sạch, đẹp có ý nghĩa lớn trong phát triển du lịch biển đảo, làm giàu cho đất nước.

 6. Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo có hiệu lực

Được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 ngày 25/6/2015, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

 7. Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ “Đường lưỡi bò” phi lý

Chiều 12/7/2016 (theo giờ Việt Nam) Tòa trọng tài thường trực (PCA ) ở LaHay (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở biển Đông. Theo phán quyết của PCA, yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “Đường 9 đoạn” là trái với công ước của LHQ về Luật Biển 1982. Phán quyết khẳng định Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với các nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là “Đường 9 đoạn” hay “Đường lưỡi bò”.

8. Đại hội Thể thao bãi biển châu Á tại TP. Đà Nẵng

Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (Asian Beach Games - ABG 5) diễn ra từ ngày 24/9 - 2/10/2016 tại TP. Đà Nẵng với 14 môn thi đấu, tranh 165 bộ huy chương, thu hút hàng ngàn vận động viên đến từ 35 đoàn thể thao của quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á. Ngoài phát triển các môn thể thao biển, ABG 5 còn là dịp quảng bá du lịch biển Đà Nẵng và Việt Nam.

 9. Lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung

Tháng 10 và 11/2016, hàng loạt tỉnh ven biển miền Trung chịu nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, sản xuất và đời sống do lũ lụt liên tiếp. Hàng trăm ngàn ngôi nhà và các công trình cơ sở hạ tầng như trạm xá, trường học, giao thông, thủy lợi bị nhấn chìm trong biển nước, nhiều người chết và mất tích, thiệt hại ước tính hàng trăm ngàn tỷ đồng. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng ác liệt hơn. Quốc hội, Chính phủ, UBTƯMTTQVN đã kêu gọi cả nước ủng hộ, đùm bọc đồng bào miền Trung.

 10. Bàn giao tàu ngầm Kilo thứ 6 cho Việt Nam

Nhà máy đóng tàu Admiralty (Nga) đã tiến hành lễ hạ thủy tàu ngầm Kilo thứ 6, chiếc cuối cùng trong hợp đồng đóng 6 tàu ngầm cho Việt Nam. Tàu ngầm thứ 6 mang tên Bà Rịa - Vũng Tàu với số hiệu HQ-187. Sau thời gian chạy thử nghiệm, dự kiến tàu ngầm HQ-187 sẽ bàn giao cho Việt Nam vào cuối năm 2016. Hạm đội tàu ngầm của hải quân Việt Nam ra đời sẽ là “Quả đấm thép” sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 sự kiện biển - đảo nổi bật năm 2016