Theo dõi trên

Bình Thuận:Những con đường mang tên Lê Duẩn

02/04/2017, 09:53

BTO - Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2017), chúng ta cùng ôn lại tiểu sử một nhà cách mạng Việt Nam ưu tú, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cùng điểm lại những con đường được vinh dự mang tên Lê Duẩn trên địa bàn tỉnh nhà.

Vài nét tiểu sử

Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907 tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống yêu nước. Sớm giác ngộ, đi theo con đường cách mạng vô sản, ông trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930.

Năm 1931, Lê Duẩn là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ, bị thực dân Pháp bắt giam ở các nhà lao Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Đến tháng 10/1936, trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta, Pháp buộc phải trả tự do cho ông và nhiều chiến sĩ cách mạng khác. Năm 1937, Lê Duẩn được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1939, ông được cử vào BTVTW Đảng, chủ trì Hội nghị lần 6 BCHTW, thành lập Mặt trận Phản đế Đông Dương, chuyển hướng đấu tranh cách mạng sang thời kỳ mới. Năm 1940, Lê Duẩn lại bị địch bắt, đày đi Côn Đảo lần hai. Cách mạng Tháng 8 thành công, ông được đón về đất liền.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-1986).

Trong giai đoạn 1946-1954, với cương vị Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư TW Cục miền Nam, Lê Duẩn đã lãnh đạo Đảng bộ miền Nam tổ chức kháng chiến ở Nam Bộ. Hiệp định Genève được ký kết, Lê Duẩn ở lại miền Nam để lãnh đạo, củng cố các cơ sở cách mạng, chuẩn bị cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Tháng 9/1960, ông được bầu vào BCHTW và Bộ Chính trị, đảm nhận trọng trách Bí thư thứ nhất BCHTW Đảng. Suốt 15 năm ở cương vị này, trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, thử thách, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Bộ Chính trị và BCHTW Đảng lãnh đạo nhân dân, các lực lượng vũ trang cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tại Đại hội Đảng V (1982), Lê Duẩn được bầu giữ chức Tổng Bí thư BCHTW Đảng. Ông còn là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII. Ông mất tại Hà Nội ngày 10/7/1986. Đồng chí Lê Duẩn được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, được Ủy ban giải thưởng quốc tế Lê-nin tặng giải thưởng “Vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc”.

Một kỷ niệm với Bình Thuận

Tháng 6/1947, Tổng Bí thư Lê Duẩn - khi đó là Bí thư TW Cục - trên đường vào Nam Bộ trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã dừng chân nghỉ hơn một tháng tại làng ven biển La Gàn, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận để phục hồi sức khỏe sau những ngày lênh đênh trên biển.

Theo sách Truyền thống đấu tranh của nhân dân và Đảng bộ Bình Thạnh, các cán bộ cách mạng của địa phương lúc đó đã giao nhiệm vụ cho gia đình vợ chồng bà Phạm Thị Nhường và ông Huỳnh Tiến, một gia đình cách mạng trung kiên trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ đồng chí Lê Duẩn.

Ngày nay, một bia tưởng niệm đồng chí Lê Duẩn đã được lập tại Tuy Phong, Bình Thuận như ghi dấu về một kỷ niệm giữa ông với mảnh đất cuối dải miền Trung này.

Những con đường mang tên ông

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có một số con đường được đặt tên Lê Duẩn ở các địa phương. Ngay tại khu vực trung tâm thị trấn Liên Hương - trung tâm của huyện Tuy Phong, con đường Lê Duẩn nằm nối hai trục đường chính của đô thị là đường 17/4 và đường Võ Thị Sáu. Năm 2006, tại thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, con đường từ cổng sau Trường THPT Hàm Thuận Nam đến trụ sở UBND xã Tân Lập (cũ) có kích thước dài 1.230 m x rộng 9 m được đặt tên đồng chí Lê Duẩn. Cũng trong năm này, đường ĐT.710 qua thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân - đoạn từ QL 1A đến giáp xã Tân Phúc có chiều dài 2.000 m, rộng 8 m cũng được vinh dự mang tên ông.

 Một góc đường Lê Duẩn (TP. Phan Thiết) trong giai đoạn hoàn thành thi công.

Tại thành phố biển Phan Thiết, dự án đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Trường Chinh đến Ga Phan Thiết cũ) đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành. Đoạn đường này có điểm đầu giao QL 1A tại Km 1.705+230 và điểm cuối ở vị trí Ga Phan Thiết cũ giao đường Lê Hồng Phong, với chiều dài tuyến là 1.870 m. Đường có quy mô mặt cắt rộng đến 49 m, trong đó có 2 làn xe cơ giới (10,5 m/làn), 2 làn xe thô sơ (5 m/làn), 2 bên vỉa hè rộng 6 m/bên và giải phân cách giữa 4 m. Tuyến đường này là công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng của thành phố, được kỳ vọng sẽ giải quyết được những lợi ích về mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại của nhân dân, và là cửa ngõ của TP. Phan Thiết đón chào khách du lịch từ Ga Phan Thiết vào nội ô.

Phúc Thịnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận:Những con đường mang tên Lê Duẩn