Theo dõi trên

Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông giữa ASEAN - Trung Quốc

21/09/2017, 13:45 - Lượt đọc: 93

BTO- Trong một phần tư thế kỷ qua, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trải qua một chặng đường dài và đầy khó khăn để đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với Trung Quốc. Bước vào năm 2017, tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc bắt đầu đạt được một số kết quả khả quan với việc các ngoại trưởng Trung Quốc và ASEAN đã thông qua Khung COC tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc diễn ra ở Ma-ni-la (Phi-lip-pin) vào ngày 6/8/2017. Đây có thể coi là bước tiến tích cực cho tiến trình đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông có tính ràng buộc về mặt pháp lý, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. BTO xin giới thiệu nội dung của Khung COC giữa ASEAN-Trung Quốc.

Văn bản khung COC dài 1 trang, chia làm 3 phần: (1) Các điều khoản mở đầu; (2) Các điều khoản chung; (3) Các điều khoản cuối.

(1)Các điều khoản mở đầu: gồm 3 mục ngắn

-Cơ sở của COC

-Sự liên kết và tương tác giữa DOC và COC

-Tầm quan trọng và các nguyện vọng

(2) Các điều khoản chung: gồm 3 phần

Các mục tiêu gồm 3 điểm:

-Mục tiêu thứ nhất là “thiết lập một khuôn khổ dựa trên các quy tắc bao gồm một loạt quy chuẩn chỉ đạo cách ứng xử của các bên và thúc đẩy hợp tác hàng hải trên biển Đông”. Điều này có ý nghĩa là cụm từ “khuôn khổ dựa trên các quy tắc” được sử dụng thay cụm từ “có tính ràng buộc về mặt pháp lý” mà một số nước ASEAN đã vạch ra từ lâu về COC.

-Mục tiêu thứ hai là “thúc đẩy lòng tin lẫn nhau, sự hợp tác và uy tín, ngăn ngừa các sự cố, giải quyết các sự cố nếu chúng xảy ra, và tạo ra môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp”. Tuy trong DOC, các bên cũng đã nhất trí xây dựng “lòng tin và uy tín” và “tăng cường các điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình và lâu dài cho những bất đồng và tranh chấp giữa các nước có liên quan”, nhưng đây là lần đầu tiên các bên nhất trí ngăn ngừa và giải quyết các sự cố trên biển.

-Mục tiêu thứ ba là “bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải và quyền tự do đi lại trên biển và trên không’. Các bên tham gia DOC đã nhấn mạnh “tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của họ đối với quyền tự do đi lại trên biển và trên không ở biển Đông”; nhưng trong dự thảo khung COC nhấn mạnh từ “bảo đảm”, như vậy thể hiện cam kết mạnh hơn so với “sự tôn trọng và cam kết”; đồng thời cũng nhấn mạnh mối quan ngại của một số nước ASEAN rằng tranh chấp có nguy cơ làm xói mòn quyền tự do hàng hải, đặc biệt nếu Trung Quốc tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông như họ đã làm đối với các phần của biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013.

Các nguyên tắc gồm 4 điều

-Nguyên tắc thứ nhất là COC không phải là công cụ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hay các vấn đề về phân định ranh giới trên biển.

-Nguyên tắc thứ hai là cam kết đối với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS, TAS, 5 nguyên tắc chung sống hòa bình và các nguyên tắc khác của luật pháp quốc tế được mọi người công nhận.

-Nguyên tắc thứ ba là cam kết thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC. Tuy nhiên cách thức thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC như thế nào thì không đề cập.

-Nguyên tắc thứ tư là “Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác”. Đây là điều khoản mới, mặc dù đã nhắc lại hai trong số năm nguyên tắc chung sống hòa bình, tuy nhiên việc này có lẽ là để nhằm mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của hai nguyên tắc này trong cách thức ứng xử về các mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt khi tình trạng bất cân xứng về sức mạnh giữa Trung quốc và các nước Đông Nam Á ngày một gia tăng.

Các nghĩa vụ cơ bản bao gồm 6 điểm:

-Nghĩa vụ hợp tác

-Thúc đẩy hợp tác hàng hải thiết thực

-Tự kiềm chế/Thúc đẩy lòng tin và uy tín

-Ngăn ngừa các sự cố (a) Các biện pháp xây dựng lòng tin (b) Các đường dây nóng

-Quản lý các sự cố: Các đường dây nóng

-Các nghĩa vụ khác phù hợp với luật pháp quốc tế để hoàn thành các mục tiêu và nguyên tắc của COC.

Các điều khoản cuối cùng

-Khuyến khích các nước khác tôn trọng các quy tắc được nêu trong COC

-Các cơ chế cần thiết để giám sát việc thực thi

-Đánh giá COC

-Bản chất

-Hiệu lực thi hành

BTO



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông giữa ASEAN - Trung Quốc