Theo dõi trên

Các qui định của luật phải nghiêm mới có tác dụng tốt trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội

25/05/2017, 15:12 - Lượt đọc: 6

BTO- Sáng 24/5, theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Tham gia phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng đây là Bộ luật quan trọng tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và liên quan tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nên các qui định của Luật cần phải nghiêm mới có tác dụng tốt trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội.

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội trường về Bộ luật Hình sự

Theo đại biểu Phúc về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, để luật vừa mang tính nghiêm minh vừa có tác dụng giáo dục sâu sắc thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Bởi vì từ thực tế cuộc sống thời gian qua hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhất là tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ xảy ra với tính chất phức tạp, mức độ thì vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại, gây tâm trang lo lắng trong xã hội… cần phải được xử lý nghiêm. Theo đại biểu Phúc, đã là pháp luật thì phải nghiêm, và chính việc xử lý nghiêm mới có tác dụng tốt trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội và đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả và chắc chắn hơn, hạn chế được tính trạng tái phạm sau khi thi hành án.  Ông bà ta đã có câu: "Thương thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho bùi", thực tế thời gian qua liên quan tới các tội danh này việc áp dụng các biện pháp giáo dục, hòa giải tại cộng đồng là không hiệu quả, nhiều trường hợp sau khi được áp dụng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng lại tiếp tục tái phạm, thậm chí lần sau vi phạm mức độ, tính chất càng tinh vi và nguy hiểm rất nhiều, cử tri rất bức xúc về vấn đề này. Hơn nữa, về kết quả phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã có 266/397, chiếm tỉ lệ 67% ĐBQH tán thành quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự cả về loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng đối với 3 loại tội danh nêu trên. Vì vậy, theo đại biểu Phúc cần phải ghi nhận kết quả và tôn trọng ý kiến của ĐBQH.

Về việc quy định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm vào áp dụng Điều 190 và Điều 191 BLHS năm 2015 như dự thảo luật đã nêu, theo đại biểu Phúc là chưa phù hợp. Bởi vì: theo Luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 04 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, thì ngành nghề kinh doanh sản phẩm thuốc lá không qui định là ngành nghề cấm mà qui định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, để bảo dảm quyền con người theo qui định của hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đại biểu Phúc đề nghị không qui định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm. Trong trường hợp buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu cần xử lý hình sự về tội buôn lậu như thực tiển hiện nay đang áp dụng là phù hợp.

Về việc bổ sung cách xác định giá trị hàng giả tính theo giá thành sản xuất để xử lý hình sự như dự thảo luật theo đại biểu Phúc là khó khăn, phức tạp trong quá trình áp dụng luật; bởi lẽ việc tính giá thành sản xuất cho hàng giả phụ thuộc vào công tác kế toán chi phí sản xuất, ghi chép của đối tượng sản xuất hàng giả và cách tính giá thành, mà giá thành sản xuất của hàng giả phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhân công, nguyên liệu đầu vào, công nghệ sản xuất, trang thiết bị ... và do là hàng giả nên đối tượng sản xuất thường không hạch toán vào sổ sách kế toán hoặc tìm mọi cách che dấu nên ngoài đối tượng sản xuất hàng giả thì trong nhiều trường hợp không thể xác định được giá thành sản xuất của hàng giả. Vì vậy để việc xác định phù hợp, bao quát được các trường hợp để xác định giá trị của hàng giả, đại biểu Phúc đề nghị dự thảo Luật không cần bổ sung cách tính theo giá thành sản xuất của hàng giả, việc tính giá trị của hàng giả căn cứ trên trị giá của hàng thật như qui định của Bô luật hình sự năm 1999 là bảo đảm tính thống nhất với Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

Hoàng Thu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các qui định của luật phải nghiêm mới có tác dụng tốt trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội