Theo dõi trên

Cần khắc phục lãng phí trong công tác trợ giúp pháp lý

10/11/2016, 16:51

BTO - Sáng ngày 10/11, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Trợ giúp pháp lý, ông Huỳnh Thanh Cảnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng, Chính phủ đã nghiêm túc khách quan chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện Luật trợ giúp pháp lý hiện hành. Từ thực tế kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, đặc biệt đối với hoạt động tố tụng tư pháp trong bối cảnh đang thực hiện chủ trương tăng cường tranh tụng trong xét xử theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và các luật tố tụng, nên dự án luật này cần đưa ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục được những hạn chế nêu trên.

         

Về vấn đề người được trợ giúp pháp lý, ngoài quy định trong dự luật, ông Cảnh đề nghị xem xét, bổ sung thêm số đối tượng cần được quan tâm của Nhà nước khi có vấn đề liên quan đến vụ việc pháp lý như người bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn bị buộc tội, người bị nhiễm chất độc da cam, không nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với quy định trợ giúp viên pháp lý, để khắc phục chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp và chưa ngang bằng với dịch vụ pháp lý có thu phí do luật sư cung cấp, theo ông Cảnh giải pháp quan trọng và có tính đột phá là vấn đề về con người, đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng của trợ giúp viên pháp lý có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động trợ giúp các vụ việc tố tụng. Quy định này đáp ứng được yêu cầu các luật tố tụng được Quốc hội thông qua, xác định trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại và đương sự. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này sẽ giảm đáng kể số lượng trợ giúp viên pháp lý so với hiện hành nên có thể gặp khó khăn khi số người có yêu cầu trợ giúp pháp lý nhiều nhất là vùng sâu, vùng xa và miền núi. Vì vậy, cần đưa ra lộ trình phù hợp để khắc phục hạn chế nêu trên.

Về hình thức trợ giúp pháp lý, để đạt hiệu quả thiết thực đặc biệt là kinh phí phục vụ cho hoạt động này từ ngân sách nhà nước thì cần tập trung cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý liên quan đến hoạt động tố tụng, khắc phục tình trạng dàn trải gây lãng phí như thời gian qua. Điều này cũng phù hợp với bản chất của hoạt động trợ giúp pháp lý là giúp đỡ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc và tranh chấp pháp luật nhưng không có điều kiện sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí.

Theo báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 cho thấy ngân sách chủ yếu tập trung cho chi lương và chi khác. Phần chi cho hoạt động nghiệp vụ chỉ chiếm 25,5%. Vì vậy, theo ông Cảnh, yêu cầu lần sửa đổi này cần quy định chặt chẽ điều kiện về tổ chức nhất là bộ phận hành chính đối với hoạt động trợ giúp pháp lý phải được sắp xếp nhanh gọn và đảm bảo tính linh hoạt trong việc thực hiện nhiệm vụ. Dự thảo cũng cần quy định về các điều kiện thành lập chi nhánh, cơ chế hoạt động để tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức này hoạt động. Đồng thời, dự thảo luật cần cụ thể hóa hơn nữa quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao trách nhiệm của trợ giúp viên pháp lý. Theo đó, cần đưa ra được cơ chế hữu hiệu để đánh giá việc sử dụng kinh phí gắn với chất lượng và hiệu quả của việc trợ giúp pháp lý một cách khách quan và chính xác.

Khắc Điều



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần khắc phục lãng phí trong công tác trợ giúp pháp lý