Theo dõi trên

Cần tăng dòng đầu tư cho nông nghiệp và vùng khó khăn

02/11/2016, 10:03

BTO - Ngày 1/11, trong phiên thảo luận của Quốc hội đối với Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng báo cáo Chính phủ đã nêu khá rõ và đầy đủ kể cả được và chưa được. Song, từ thực tiễn, được bao trùm nhất có thể nói rằng ngoài hệ thống về chính sách pháp luật làm nền tảng để thực hiện đầu tư công, tình hình quản lý kiểm soát để khắc phục thực trạng dàn trải, kém hiệu quả và lãng phí đã có sự tiến bộ nhất định.

         

Tuy nhiên, về những mặt chưa được, vẫn còn một số điểm cần quan tâm. Trước hết, theo ông Cảnh, nếu như xem xét lại vấn đề sự hiệu quả và sự lãng phí như thế nào. Giai đoạn thực hiện đầu kỳ của kế hoạch đầu tư công vào năm 2011 - 2012, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 1792 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại công trình để dừng lại hoặc có giải pháp tiến bộ cho phù hợp trong điều kiện nguồn vốn khó khăn; đề ra chủ trương phải dừng lại ở điểm dừng kỹ thuật hợp lý. Theo tinh thần đó, nhiều công trình đang dừng, nhiều công trình phải giãn tiến độ, tính ở điểm kỹ thuật nào để bảo đảm phát huy hiệu quả công trình. Đây là vấn đề cần rà soát, đánh giá cho chuẩn. Từ thực tiễn ở Bình Thuận có công trình thủy lợi hồ Ka Pét với trữ lượng là 37 triệu khối, đầu tư trong giai đoạn 2006 – 2011; từ năm 2012, tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được bổ sung vốn để thi công, vì vậy công trình thi công rồi nhưng hệ thống kênh mương không có. Đây là sự lãng phí nguồn lực rất lớn.

Một sự lãng phí nữa trong đầu tư cũng ở Bình Thuận là công trình thủy lợi Sông Dinh 3. Đây là công trình có vốn gần 1000 tỷ nhưng do chế độ, chính sách đã làm cho nguồn vốn đội lên. Theo đó, tỉnh đã cắt giảm ở một điểm dừng hợp lý là hạ mức đền bù. Do không có kinh phí cho nên chỉ đền bù ở mức cao trình 46, các hạng mục kênh mương phải cắt bỏ bớt. Hiện nay thi công đã căn bản hoàn thành nhưng nước chỉ trữ được 50% công suất. Muốn trữ đủ theo thiết kế thì phải có tiền đền bù đến cao trình 50. Tỉnh cũng đã đề nghị nhưng rất khó chấp nhận.

Thực tiễn qua 5 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công, theo báo cáo của Chính phủ, cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, còn nhiều công trình thi công dở dang. Theo đó, ông Cảnh đề nghị phải làm rõ nguyên nhân dở dang; Giải pháp sắp tới như thế nào trong chỉ đạo, điều hành để đảm bảo không xảy ra tình trạng lãng phí về đầu tư và hiệu quả kém.

Thứ hai, nguyên nhân của vấn đề đầu tư chậm tiến độ, hiệu quả kém còn trở ngại lớn là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Nếu làm tốt công tác này thì tiến độ thi công nhanh, hiệu quả công trình phát huy sớm. Làm chậm thì vừa chậm tiến độ, vừa đội vốn, hiệu quả công trình khó khăn.

Về kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, ông Cảnh đề nghị cần xem lại tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp sao cho hợp lý và chú ý tăng dòng đầu tư cho những vùng khó khăn, vùng miền núi, nhất là những địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu vừa qua. Ông Cảnh cũng đề nghị cần xem xét lại việc đầu tư nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia có tính chất liên vùng mà báo cáo Chính phủ đã nêu.

Về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, thứ tự ưu tiên đầu tư công. Ông Cảnh cũng đề nghị Quốc hội nên xem lại việc phân bổ vốn trung hạn 5 năm 2016 - 2020 của Trung ương cho địa phương có phù hợp chưa. Cụ thể, tỉnh Bình Thuận là tỉnh còn nghèo, khó khăn phải nhận trợ cấp của Trung ương hàng năm từ 30 - 35% nhưng phân bổ vốn của Trung ương cho địa phương thấp rất nhiều so với các địa phương khác. Xếp ở mức thứ 51 trên 63 tỉnh, thành cả nước. Bên cạnh đó, chủ trương thu hồi 50% nợ ứng là một việc cần thiết. Song Chính phủ cũng cần xem lại tỷ lệ này đối với các địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những địa phương chịu sự tác động nặng nề của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, xâm ngập mặn. Cần phải cân nhắc để có một tỷ lệ hoãn, giãn cho phù hợp. Theo ông Cảnh, nếu không giải quyết được vấn đề này thì nhiều địa phương gặp khó khăn như Bình Thuận sẽ bị phá sản kế hoạch đầu tư phát triển trong 5 năm tới./. 

Khắc Điều



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần tăng dòng đầu tư cho nông nghiệp và vùng khó khăn