Theo dõi trên

Cô Loan “thông tin” của chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968

16/01/2018, 16:12 - Lượt đọc: 72

BTO- Với lòng căm thù giặc sâu sắc và tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, nữ chiến sĩ thông tin Huỳnh Thị Loan cống hiến tuổi thanh xuân, có nhiều đóng góp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

                
      Nữ chiến sĩ thông tin Huỳnh Thị Loan (bên trái) trong chiến    dịch Mậu Thân 1968

 Bị bắt nhầm là việt gian

Bà Huỳnh Thị Loan 70 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thôn Thuận Thành, Hàm Liêm (HTB), hiện đang ngụ tại khu phố 2, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết.

 Năm 1964, mới 15 tuổi bà đã tham gia cách mạng, làm du kích mật nắm tình hình của địch báo cáo cho lực lượng của ta ở Thuận Thành, Hàm Liêm. Giữa năm 1965 bà bị địch phát hiện và buộc phải thoát ly ra vùng cách mạng, làm nhiệm vụ hậu cần tại trại xay lúa của bộ đội ở Hàm Thạnh.

Năm 1967, bà được điều động về Phân đội thông tin của Tỉnh đội (Bộ CHQS tỉnh hiện nay), đảm nhận nhiều vai trò khác nhau bao gồm đưa thư, liên lạc, nắm tình hình phía địch - một công việc hết sức nguy hiểm nếu không có sự khéo léo ngụy trang. Tháng 2/1968, bà được điều về đơn vị tiền phương – nơi có 3 cánh quân (cánh: Đông, Nam, Bắc) trực tiếp chiến đấu. Bà Loan được phân về cánh Nam với nhiệm vụ thông tin liên lạc và đưa bộ đội đi bổ sung cho các đơn vị chiến đấu.

Trong ký ức của nữ thông tin về nhiệm vụ được giao trong chiến dịch Mậu Thân 1968 đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ mồn một. Nhất là cách để qua mắt địch, liên lạc được với lực lượng ta, bà đã có nhiều cách ngụy trang… Bà kể: Có lần bộ đội của ta còn lầm tưởng bà là việt gian và bắt trói lại, bà nói các anh mà bắt trói tôi, không cho tôi gặp người này người kia (gặp ông Ba Lê - Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bình Thuận chỉ huy trận địa), chậm trễ công việc là các anh chịu trách nhiệm. Họ đã cấp tốc gọi điện cho ông Ba Lê, mới biết bà là người của mình…

 Tra tấn dã man vẫn nhất định không khai

 Lần cuối bà bị bắt là khi trận đánh diễn ra ác liệt. Cấp trên rút bà ra Hàm Thắng để gặp bộ đội của ta. Khi đến được Hàm Thắng thì bộ đội của ta đã rút đi khỏi trước đó, chỉ còn lại bọn địch đi kiểm soát trận địa. Thật không may bà gặp ngay tên đại đội trưởng của địch – người quen biết với gia đình bà vì hồi đó nhà bà làm bánh tráng bỏ mối cho bán quán. Bà kể: khi bà đi thoát ly, nó (tên đại đội trưởng) đi học trường sĩ quan ngụy, ra trường làm Trung úy Đại đội trưởng của Đại đội kiểm soát trận địa. Tên này đã chỉ mặt bà và nói: “Con này thoát ly 3 năm rồi,… Nó là việt cộng chính cống bắt đưa về Phòng Nhì. Và bà đã bị bọn chúng tra tấn dã man bằng điện, nước… nhưng bà một mực không khai, chỉ nói: đi làm dân công…

Nói về Tết Mậu Thân 1968 cách nay 50 năm giữa bom đan ác liệt, bà như chẳng thể nhớ được gì, ngoài nhiệm vụ được giao với những lần len lỏi trong đêm dẫn bộ đội bổ sung cho các đơn vị. Bà bảo: đối với những người chiến sĩ cách mạng, vào thời điểm đó chẳng ai có tâm trí nghĩ đến vui Tết, chỉ biết chiến đấu,…

Ở độ tuổi thanh xuân phơi phới, dù sống trong lòng địch nhưng bà có niềm tin sâu sắc vào lý tưởng cách mạng. Với tấm lòng kiên trung theo Đảng và tình yêu quê hương sâu đậm, bà hăng say thực hiện nhiệm vụ tổ chức giao. Năm 1969 bà được cử đi học khóa học về quân sự tại Trường Sĩ quan quân đội, sau khóa học bà công tác tại đơn vị nữ pháo binh của tỉnh với vai trò là Chính trị viên.

Với những chiến công đạt được, bà được kết nạp vào Đảng, được tặng nhiều bằng khen của tỉnh, của Quân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và cấp kỷ niệm chương chiến sĩ. Sau ngày giải phóng, bà Loan tiếp tục tham gia công tác chính quyền cho đến ngày nghỉ hưu. Giờ đây người nữ chiến sĩ thông tin năm ấy đang sống hạnh phúc với con cháu, bà con xóm làng.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô Loan “thông tin” của chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968