Theo dõi trên

Còn mãi tinh thần và khí phách Gạc Ma

14/03/2020, 18:29

BTO- Cách đây 32 năm, ngày 14/3/1988, 64 người lính Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh giữ các đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trang sử bi tráng vẫn còn như mới hôm qua. Hình ảnh những người con đất Việt giữ vững lá cờ chủ quyền trước làn đạn của quân thù vẫn còn khắc sâu trong tâm trí bao người con Việt Nam.

32 năm đi qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm mà sự hy sinh của họ được dựng thành tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu của các anh là một mốc son trong lịch sử dân tộc Việt Nam anh hùng mà thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm.

Cách đây hàng trăm năm, những người con ưu tú của nước Việt đã vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ, xả thân giữa biển khơi mênh mông vì chủ quyền đất nước. Những câu ca lưu truyền trong dân gian tới hôm nay, “Hoàng Sa đi có về không - Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi” là minh chứng cụ thể nhất cho sự quả cảm, các kỳ tích mà họ đã lập nên. Để rồi, tinh thần quả cảm, quyết tâm vô hạn, dũng cảm phi thường lại được thế hệ sau nối tiếp. Ngày 14/3/1988, 64 người lính bảo vệ Gạc Ma, trong cuộc chiến không cân sức, một bên chỉ có cuốc xẻng, súng AK giữa mênh mong biển khơi, một bên là tàu lớn, súng to, đã vình viến nằm xuống dưới làn mưa đạn. 64 người lính đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Trong giờ phút sinh tử, giữa họng súng quân thù, các chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau, tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc.

Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, sống thủy chung, trên tinh thần của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Vào thời điểm xảy ra “trận chiến Gạc Ma”, đất nước Việt Nam vừa bước ra từ cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài 30 năm, trên mình còn mang đầy thương tích, lại đang phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược ở 2 đầu biên giới nên không ai mong muốn có chiến tranh và luôn tìm mọi cách để cho điều đó không xảy ra. Tuy nhiên, độc lập chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, nền độc lập bị đe dọa thì họ phải hành động, sẵn sàng xả thân vì sự toàn vẹn lãnh thổ.

64 con người, 64 tấm gương sáng chói của lòng yêu nước, họ ngã xuống không phải để vĩnh viễn ra đi mà là để ôm trọn lấy vị mặn chát của nước biển trong veo, ôm trọn sự bình yên của mặt nước hiền hòa. Vòng tròn bất tử ấy sẽ còn lan rộng ra tới tận ngày hôm nay, khắc sâu vào nhịp tim của mỗi con người hôm nay và kết tạo nên những vòng tay đoàn kết, vòng tròn của sự tri ân để nhắc nhở, răn dạy hậu thế phải ghi nhớ, phải biết ơn, phải trân trọng nền hòa bình đang có. Nó đã bồi đắp cho tâm hồn những người dân Việt Nam một lòng yêu nước nồng nàn, nó đã răn dạy cho bao thế hệ hôm nay, ngày mai và mai sau nữa phải biết trân quý lịch sử và sống sao cho đúng với trách nhiệm của một công dân.

32 năm đã đi qua, dòng chảy của lịch sử vẫn lững lờ trôi. Tổ quốc và biển cả vẫn từng ngày lớn lên ôm ấp nền hòa bình phẳng lặng, xoa dịu linh hồn của những người con đã ra đi. 32 năm qua, Biển Đông chưa bao giờ ngơi bão tố. Bởi vậy, nhắc lại lịch sử không chỉ có tưởng niệm, có tri ân. Sự hy sinh của các anh, máu xương của các anh vì biển đảo thiêng, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ. 64 người lính đảo Gạc Ma đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu, vì sức mạnh của cả dân tộc, là căn cốt đảm bảo cho chủ quyền Tổ quốc mãi mãi bất khả xâm phạm.

Thời gian có dài bao nhiêu, lịch sử có đổi thay thế nào, thì cuộc chiến đấu tự vệ và bảo vệ Trường Sa của Hải quân nhân dân Việt Nam năm 1988 vẫn thức tỉnh trái tim người Việt Nam về nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Dụng Văn Duy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Còn mãi tinh thần và khí phách Gạc Ma