Theo dõi trên

 “Còn sức còn cống hiến cho đời…”

02/08/2017, 08:57

BT- Dù đã 70 tuổi nhưng bà Phạm Thị Kim Soa (khu phố Lâm Giáo, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) vẫn miệt mài làm việc. Người giáo viên về hưu ấy mỗi ngày thầm lặng vận động bà con đóng tiền làm đường nông thôn mới, kêu gọi nhà hảo tâm tiếp bước cho trẻ đến trường…

“Cô Soa nông thôn mới”

Tiếng chuông điện thoại reng, reng!... “Alô cô Soa, cô đến thu tiền giúp cháu, cháu phải đi Sài Gòn nhé”. Bữa ấy đúng lúc ban trưa, nắng như đổ lửa xuống đầu. Nghe xong điện thoại bà Soa bỏ dở bữa cơm trưa và sốt sắng đạp xe đạp đến ngay nhà chị Nguyễn Thị Bích.

Chuyện là chị Bích góp tiền để làm tuyến đường từ quốc lộ 28 vào cầu Đồng Lẫm (khu phố Lâm Giáo) dài chừng 451m. Con đường được xem là “nan giải” nhất thị trấn, bởi đã nhiều năm lên kế hoạch mà vẫn chưa thực hiện được. Dù bận bịu công việc ở Hội Khuyến học, hễ rảnh là bà cùng Ban điều hành khu phố Lâm Giáo tổ chức sinh hoạt gần gũi với bà con. Bằng lời lẽ chân tình, cuối cùng bà Soa cũng thuyết phục được các hộ dân ở hai bên đường đồng tình góp tiền. Chị Bích là một trong số những hộ sau khi được bà giải thích thấu tình đạt lý nên tự nguyện đóng góp làm đường. Hộ đủ thì đóng ngay, hộ chưa đủ bà Soa trực tiếp đi thu từng đợt. Ngay sau khi nhận tiền, UBND thị trấn đã cho thi công tuyến đường này và vừa hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm nay. Số tiền còn lại bà Soa vẫn đang tích cực thu. Điều này cũng dễ hiểu vì sao nghe điện thoại chị Bích réo bà lại vội vàng đi ngay. “Chỉ lo chị ấy lại dùng tiền vào việc khác nên gọi phải tới thu liền, lúc nào cũng giữ uy tín thì bà con mới tin tưởng”, bà Soa phân trần.

Không riêng gì chị Bích mà nhiều hộ dân khu phố Lâm Giáo mặc dù khó khăn, bao năm qua họ vẫn góp tiền làm đường giao thông bằng cách này. Cứ lúc nào bà con điện thoại, hay nhắn tin đến thu tiền dù ban trưa nắng gắt hay chạng vạng tối bà không ngại khó và có mặt ngay để thu. Con đường từ quốc lộ 28 đến hộ bà Khả Tú, ông Hùng (khu phố Lâm Giáo) cũng cam go không kém. Con đường dài 707m mùa mưa lầy lội, nước ngập vào nhà, trẻ nhỏ đi bùn bết đến tận mặt. Mưa đã vậy, nắng gió cuốn bụi tung mịt mù. “Tôi cùng Ban điều hành khu phố phải họp dân đến 3 lần. Sau khi xét kỹ càng hộ nghèo, cận nghèo neo đơn để có mức đóng góp hợp lý, tôi trực tiếp đến 48 hộ vận động. Gần 1 năm đã thu 189 triệu đồng để thị trấn thi công con đường hoàn thành vào năm 2015”, bà Soa nói.

“Lắng nghe bà con nói hết những khó khăn, mình cũng trải tấm lòng cho họ hiểu: ai cũng có nghĩa vụ đóng góp cho xã hội, mỗi người một ít. Người dân mình nghèo đóng góp một lúc vài triệu đồng làm đường khó khăn lắm, nên có tiền lúc nào họ gọi là mình phải tới thu ngay. Dân tin tưởng mới đóng góp, mình phải trung thực, chịu khó mới không phụ lòng”, bà Soa giải thích. Chính vì suy nghĩ ấy, bao năm nay, người phụ nữ gầy guộc ấy vẫn lặng lẽ, miệt mài với chiếc xe đạp cọc cạch len lỏi từng ngõ xóm, đến từng nhà không mệt mỏi. Vì cảm kích mà người dân khu phố Lâm Giáo hay gắn cho bà cái tên: “Cô Soa nông thôn mới”. Từ ngày bà về làm Bí thư Chi bộ khu phố Lâm Giáo, bây giờ là Chủ tịch Hội Khuyến học, thị trấn đã có 4 tuyến đường bê tông ở khu phố Lâm Giáo mọc lên nhờ bà chịu khó đi “gõ cửa từng nhà”. Đường giao thông trong xóm được bê tông sạch đẹp, con cái đi học dễ dàng, xóm làng khang trang, bà con khu phố ai cũng nhắc bà một cách trìu mến “có cô Soa, mới có đường”.

 “Người mẹ” tiếp sức học trò nghèo

Rời đất Quảng Bình, bà Soa theo chồng vào công tác ở Hàm Thuận Bắc từ năm 1982. Khi ấy bà là giáo viên tiểu học, được phân công giảng dạy tại các trường tiểu học Ma Lâm, tiểu học Thuận Minh... Đứng trên bục giảng, gắn bó với học trò bằng tình yêu và tâm huyết đã giúp bà hoàn thành tốt trách nhiệm một nhà giáo. Bà từng đảm nhận nhiều nhiệm vụ từ Phó hiệu trưởng cho đến Bí thư chi bộ, Chủ tịch công đoàn nhà trường.

Biến cố lớn nhất cuộc đời bà, sau khi vào Hàm Thuận Bắc lập nghiệp 7 năm thì chồng qua đời, khi ấy bà mới bước sang tuổi 40. Chồng ra đi, một mình bà vừa dạy học vừa nuôi dạy 5 đứa con thơ, các con bà còn rất nhỏ, đứa lớn nhất mới 12 tuổi, đứa út mới tròn 10 tháng tuổi. Câu chuyện làm đôi mắt bà bỗng dưng sâu thẳm. Trên làn da ngăm hằn rõ những nếp nhăn của thời gian, tuổi già nhưng vẫn ánh lên một nét đẹp lạ thường. Vẻ dịu dàng của người vợ, người mẹ  một đời tảo tần. Có lẽ bà đang nhớ về những ký ức của một thời. Đó là những ngày tháng tuổi trẻ sôi nổi được kết nạp vào Đảng chỉ sau 1 năm công tác tại Trường tiểu học Quảng Trạch (Quảng Bình). Những hạnh phúc, thử thách và cả nước mắt, gian khó khi người bạn từ biệt quá sớm để bà và đàn con nơi xứ lạ. Chồng mất, đồng lương giáo viên eo hẹp, một mình bà vừa dạy học vừa làm đủ thứ từ chăn nuôi gà, nuôi vịt để chắt chiu thêm lo cho đàn con. Năm tháng đi qua, những đứa con lớn lần lượt vào đại học, cao đẳng rồi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định. Bọn chúng vẫn hay nhắc tôi: “Bao giờ mẹ mới nghỉ ngơi?”, nghe xong tôi chỉ cười: “Tụi bây cứ để mẹ làm việc. Mẹ còn lời hứa với Đảng còn sức khỏe cứ để mẹ cống hiến” - bà Soa cười bảo.

 Hơn 30 năm dạy học, năm 2004 bà Soa về hưu những tưởng nghỉ ngơi, nhưng bà lại gắn bó với công tác xã hội ở cái tuổi xế chiều với vai trò là Bí thư Chi bộ khu phố Lâm Giáo. Nhận thấy tâm huyết của nữ đảng viên có nhiều đóng góp cho địa phương, bà được thị trấn tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Ma Lâm năm 2010 và nay là Chủ tịch Hội khuyến học. Nhờ được quần chúng tin tưởng, bà đã vận động hàng ngàn suất học bổng nâng bước những học sinh nghèo của thị trấn. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay bà đã vận động hơn 176 triệu đồng, số tiền này cũng được Hội Khuyến học thị trấn tặng 131 suất học bổng và 1.472 suất quà cho học sinh nghèo trên địa bàn. “Bằng chính sự vất vả cuộc đời người mẹ tảo tần nuôi con ăn học, tôi thấu hiểu những khó khăn của các cháu học sinh nghèo, của các gia đình nghèo khó. Tôi luôn nhủ mình còn sức còn cố gắng. Những suất quà tuy nhỏ nhưng là cả tấm lòng…”, bà Soa trải lòng.

Ghi chép: Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 “Còn sức còn cống hiến cho đời…”