Theo dõi trên

Đại biểu Quốc hội: Tăng giá điện sẽ kéo theo hiện tượng tăng giá "té nước theo mưa"

30/05/2019, 16:02 - Lượt đọc: 46

BTO- Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, tôi nhận thấy: Tuy phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2018 đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Là năm thứ 3 liên tiếp thực hiện thành công tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân < 4%; Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP 7,08%, là mức tăng cao nhất từ năm 2008 đến nay; Năng suất lao động tăng bình quân 3 năm 2016 - 2018 cao hơn nhiều mức tăng bình quân của giai đoạn 2011 - 2015.

Về các lĩnh vực XH cũng có nhiều mặt tiến bộ: Kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ cao nhất từ trước đến nay; chất lượng lao động đã chuyển mạnh tới các thị trường có việc làm ổn định, mức thu nhập cao, quyền lợi của người LĐ được bảo đảm hơn; Tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh.

Trên đà phát triển của năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2019 nhìn chung vẫn giữ được xu thế phát triển, cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tôi nhất trí cao với định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới mà Báo cáo Chính phủ đã nêu. Quá trình triển khai, đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề sau:

Về phát triển DN, đây thực sự còn là vấn đề khó khăn, nếu như báo cáo của Chính phủ nêu: Tốc độ phát triển DN mới trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 là tăng cao, thì bên cạnh đó cũng có những việc rất đáng quan tâm đó là số DN đăng ký ngừng hoạt động cũng rất cao, trên 27 nghìn DN, trong đó phần lớn DN vừa và lớn, đây là thực trạng phản ánh tình hình không thuận trong môi trường đầu tư, trong cơ chế chính sách. Mặt khác, từ thực tiển tại Bình Thuận cũng như trong báo cáo của CP đã nêu thì việc khuyến khích chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh lên DN gặp nhiều khó khăn, kết quả rất thấp. Qua tìm hiểu lý do nhiều hộ cho rằng: Nếu là hộ kinh doanh cá thể thì thuế đóng ít hơn, lên DN thì đóng thuế nhiều hơn.

Để đạt được mục tiêu phát triển 1 triệu DN đến năm 2020, theo tôi cần phải quan tâm đến các hộ kinh doanh cá thể, đây là nguồn rất phong phú để phát triển DN. Vì vậy trong báo cáo của Chính phủ tôi đề nghị cần phải phân tích, đánh giá sâu kỹ thực trạng tình hình, nguyên nhân tại sao và đề ra giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng doanh nghiệp đăng ký ngưng hoạt động, giải thể còn rất cao và việc chuyển hộ kinh doanh cá thể lên DN còn khó khăn như hiện nay.

Vấn đề giá cả hiện đang là chiều hướng tốt, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng thấp nhất nhiều năm qua, nhưng vấn đề mà cử tri rất quan tâm là về tăng giá điện.

Theo cử tri việc tăng giá điện ở thời điểm này là không phù hợp. Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế là mục tiêu phấn đấu mà các ngành, các cấp phải hướng tới theo định hướng cơ chế thị trường nhưng phải phù hợp với tình hình thực tiển của đất nước.         

 Mặc dù việc điều chỉnh tăng giá điện lần này đã được tính toán và nằm trong lộ trình, Tôi cơ bản đồng ý với báo cáo giải trình của Chính phủ nhưng đề nghị Chính phủ phải sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện vừa qua như thế nào? Có đúng qui định không? Nếu sai xử lý thế nào để cử tri và nhân dân cả nước biết. Mặt khác, theo tôi khi tăng giá điện chắc chắn sẽ kéo theo việc tăng giá của các mặt hàng, nhất là vật tư nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy đề nghị Chính phủ cần phải có giải pháp phòng ngừa hiện tương tăng giá "té nước theo mưa", cần theo dõi sát biến động thị trường kết hợp với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá cả của các doanh nghiệp để có các biện pháp tổng thể nếu có các biến động bất thường của thị trường.

Về vấn đề an toàn thông tin và an ninh mạng: Luật ANM được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, kỳ vọng của cán bộ và nhân dân là khi luật an ninh mạng được ban hành sẽsiết chặt hơn nữa các hoạt động trên môi trường mạng.

Tuy nhiên trong thực tế thời gian qua, kể cả khi Luật đã có hiệu lực, công tác quản lý mạng xã hội vẫn chưa chặt chẽ, nhiều nội dung vẫn chưa đi vào thực tiển do chưa có văn bản hướng dẫn. Do vậy xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt, làm ảnh hưởng xấu đến lối sống và trật tự an toàn xã hội.

Vì vậy: Đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện luật An ninh mạng; Bên cạnh dó đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Công an và các bộ ngành có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng mạng theo đúng qui định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

Về công tác phòng chống ma túy:

Thời gian qua, mặc dù đã được các ngành chức năng đẩy mạnh, triệt phá nhiều băng nhóm và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, nhưng tình hình tội phạm về ma túy không giảm mà tiếp tục tăng về số vụ và số đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, Việt Nam không chỉ là nước tiêu thụ mà còn là điểm để trung chuyển ma túy. Qua đó có thể thấy: Công tác quản lý đối tượng vận chuyển, mua bán và sử dụng ma túy chưa chặt chẽ, gây tâm trạng lo lắng trong nhân dân; hoạt động phối hợp trong công tác phòng chống ma túy chưa đi vào thực chất, còn mang tính hình thức, sự vụ (sau một số vụ TNGT mà lái xe có biểu hiện sử dụng ma túy thì các cơ quan mới đẩy mạnh công tác rà soát kiểm tra sức khỏe lái xe).

 Vì vậy tôi đề nghị: Chính phủ cần rà soát, đánh giá lại thực chất vấn đề này là do đâu, từ đó đưa ra các giải pháp mạnh để ngăn chặn và có hướng xử lý nghiêm đối với các loại tội phạm có liên quan đến ma túy.

Nguyễn Thị Phúc

(Đầu đề bài phát biểu do tòa soạn đặt)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu Quốc hội: Tăng giá điện sẽ kéo theo hiện tượng tăng giá "té nước theo mưa"