Theo dõi trên

Đẩy nhanh tiến độ sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

13/08/2019, 09:33

BT- Những đơn vị hành chính có quy mô nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương, nguồn lực bị phân tán. Mặt khác việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương tăng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nhất là ở cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế - xã hội; ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy ngày càng lớn; hầu hết các đơn vị cấp xã thu không đủ cân đối chi thường xuyên…

Mục tiêu đề ra, từ nay tới năm 2021 cả nước sẽ sắp xếp lại 16 huyện và hơn 637 xã và từ năm 2030 sẽ hoàn thiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính trong cả nước. Bình Thuận cũng xác định đến năm 2021 thực hiện sáp nhập 6 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 3 đơn vị hành chính mới, gồm: Xã Hòa Phú với thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong); xã Măng Tố với xã Đức Tân (huyện Tánh Linh); nhập xã Đức Chính với xã Nam Chính (huyện Đức Linh). Đồng thời điều chỉnh địa giới 7 đơn vị hành chính cấp xã và dự kiến sắp xếp lại 36 thôn, khu phố do chưa đủ điều kiện về quy mô dân số; trong đó sẽ giải thể 4 thôn để thực hiện mô hình xã không thôn và sáp nhập 32 thôn, khu phố để thành lập 16 thôn, khu phố mới.

Tuy nhiên việc điều chỉnh 7 đơn vị hành chính cấp xã như kế hoạch đã đề ra chưa nhận được sự đồng ý của trên do không làm giảm đơn vị hành chính và một số đơn vị hành chính sau khi điều chỉnh vẫn chưa đạt các tiêu chuẩn quy định, chưa phù hợp với nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với UBND các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Đức Linh và thị xã La Gi khẩn trương tiến hành rà soát, khảo sát từng trường hợp cụ thể để tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với việc sáp nhập 6 đơn vị hành chính cấp xã, các huyện Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh cần khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo do chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban để chỉ đạo xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện; tổ chức lấy ý kiến cử tri ở địa phương có liên quan, trình HĐND cấp xã, cấp huyện thông qua chủ trương sáp nhập. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính có ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tình cảm, quyền lợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương tiến hành sáp nhập. Vì vậy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, chính quyền, trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Chú trọng việc đánh giá và nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; có giải pháp tuyên truyền, vận động, giải thích phù hợp, sát thực với chủ trương chung và đặc thù từng địa phương, đảm bảo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và nhân dân.

Các địa phương có đơn vị hành chính sáp nhập cần xây dựng phương án tổng thể và chi tiết về việc xây dựng cơ cấu và tổ chức bộ máy, phương pháp tiến hành, lựa chọn đội ngũ cán bộ của các xã sáp nhập, đồng thời phải có lộ trình cụ thể việc giảm số lượng lãnh đạo, đội ngũ cán bộ dôi dư có tính khả thi cao. Việc tiến hành phải dân chủ, công khai minh bạch, công bằng và khách quan trong công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn, năng lực và trách nhiệm để đảm đương công việc lãnh đạo, quản lý xã sau sáp nhập. Tránh tình trạng để xảy ra quan liêu, tiêu cực, cục bộ địa phương, gây bất ổn, mất đoàn kết nội bộ và mất niềm tin trong nhân dân.

Trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể việc sáp nhập, sử dụng cơ sở vật chất, tránh việc lãng phí, thất thoát tài sản. Việc sáp nhập đơn vị hành chính là chủ trương lớn, hệ trọng, là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị, vì vậy đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực sự tiên phong, gương mẫu trong quá trình tổ chức thực hiện, nhằm đảm bảo thực hiện tốt chủ trương sáp nhập, vừa đảm bảo ổn định tình hình, tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của các địa phương sau sáp nhập.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đẩy nhanh tiến độ sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã