Theo dõi trên

Đoàn ĐBQH tỉnh: Góp ý, thảo luận các vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp và kinh tế - xã hội

20/10/2021, 10:34 - Lượt đọc: 16

BTO- Sáng nay (20/10) Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 2. Đây là kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp và kinh tế - xã hội cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Để cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt, theo dõi hoạt động của kỳ họp này, phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thông - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh khóa XV.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh

Nguyễn Hữu Thông.

Thưa ông, kỳ họp thứ 2 là kỳ họp đầu tiên thực hiện quyền lập pháp của Quốc hội khóa XV. Để chuẩn bị tốt nội dung kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh dự kiến sẽ đóng góp, thảo luận những nội dung gì?

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông: Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ thực hiện các nhiệm vụ theo quy định đó là xây dựng luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024. Cùng với đó, Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH…

Có thể khẳng định, đây là kỳ họp có ý nghĩa hết sức quan trọng vì là kỳ họp đầu tiên thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ và thực hiện các nội dung, kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, quyết định khung kế hoạch năm 2022. Chính vì vậy, bên cạnh tham gia góp ý, xây dựng các dự án luật, nghị quyết, các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh cũng sẽ tham gia, góp ý một số nội dung khác như: vấn đề quy hoạch sử dụng đất quốc gia kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025); kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; công tác phòng chống dịch Covid-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội, Nghị quyết số 68 của Chính phủ trong thời gian qua. Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tham gia chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ và một số nội dung quan trọng khác.

Để chuẩn bị cho kỳ họp này, Đoàn đã tổ chức các cuộc tiếp xúc với cử tri bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Qua các gửi gắm của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp những nội dung gì để kiến nghị đến Quốc hội, thưa ông?

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông: Việc tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến là một điểm mới, cách thức mới trong nhiệm kỳ này của Đoàn ĐBQH tỉnh, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch Covid – 19 còn khá phức tạp. Qua tiếp xúc cử tri, các ĐBQH tỉnh đã lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà gửi đến các cơ quan chức năng trong đó có Quốc hội. Đa phần cử tri tỉnh nhà kiến nghị Quốc hội, Chính phủ một số vấn đề về như: Mong muốn việc tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 sớm được bao phủ toàn dân; kiến nghị các cấp quan tâm xem xét mở rộng hỗ trợ cho các đối tượng khác ngoài các đối tượng đã được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Đoàn ĐBQH tỉnh lắng nghe ý kiến cử tri xã Hàm Đức – huyện Hàm Thuận Bắc.

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Quốc hội cần sớm nghiên cứu, xây dựng các nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là chính sách về thu hồi đất, áp giá đền bù. Công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước thực hiện rất tốt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chưa ngang tầm với xu hướng phát triển của xã hội hiện nay để chống tham nhũng. Vấn đề thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố vẫn còn bất cập cần được quan tâm tháo gỡ. Chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số nội dung khác… Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi Ban Dân nguyện Quốc hội tổng hợp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 này.

Xin cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách cải cách tiền lương
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27, Chương trình hành động số 51, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan đến cải cách chính sách tiền lương được đẩy mạnh, tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đoàn ĐBQH tỉnh: Góp ý, thảo luận các vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp và kinh tế - xã hội