Theo dõi trên

Đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận trong điều kiện hiện nay

18/03/2020, 10:57

 BT- Lịch sử của dân tộc ta cho chúng ta đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về công tác dân vận, đó là nghệ thuật vun đắp lòng dân, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của nhân dân trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước.

                
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng thăm hỏi    nhân dân huyện Tuy Phong. Ảnh: Đình Hòa

 Dân vận khéo thì việc khó mấy cũng thành công

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, xem nhân dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu, động lực của cách mạng và xác định công tác dân vận là vấn đề có tính chiến lược, là điều kiện quan trọng củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Trên quan điểm đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng về công tác dân vận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xác định công tác dân vận là sự nghiệp của toàn dân, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Ngoài các Nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận như Nghị quyết số 25-NQ/TW (2013) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, nhiều nghị quyết về công tác dân tộc, tôn giáo, về nông dân, thanh niên, phụ nữ, công nhân... được ban hành, nhằm hướng đến mục tiêu thực hiện tốt hơn công tác dân vận.

Ở tỉnh Bình Thuận, Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng và dành sự đầu tư thỏa đáng cho công tác dân vận. Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội; trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; trong xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền... Dù còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc phải làm nhưng các chính sách kinh tế - xã hội hướng đến chăm lo cuộc sống của nhân dân ở tỉnh ta thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực; kinh tế - xã hội từng bước phát triển vững chắc; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao... Từ những việc làm trên, đã tạo ra niềm tin trong đại bộ phận các tầng lớp nhân dân Bình Thuận vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà.

Đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận trong điều kiện hiện nay

Công tác dân vận hiện nay đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một mặt, những tiêu cực của xã hội, sự tha hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và một số tiêu cực, sai phạm mới nổi lên gần đây có tác động đến niềm tin của dân đối với Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mặt khác, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, những sơ hở, yếu kém trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội để xuyên tạc, vu khống, chống phá Đảng, Nhà nước; kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Bên cạnh đó, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, có những kiến nghị chưa được giải quyết thỏa đáng...

Chúng ta nhờ dân tin Đảng, dân theo Đảng mới tạo thành sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ hiện nay, nếu quan liêu, xa dân, không dựa vào dân, không làm tốt công tác dân vận, thì sẽ không nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân... Từ những vấn đề trên, để công tác dân vận có hiệu quả hơn nữa, các cấp ủy, chính quyền  cần quan tâm một số việc sau:

Khi ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến dân...”, (1) “đặt lợi ích nhân dân lên trên hết”; loại bỏ các yếu tố “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”... Tổ chức các hình thức phù hợp để người dân tham gia vào các khâu của quá trình ban hành chủ trương, chính sách; tham gia giám sát, phản biện; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để “ý Đảng” hợp với “lòng dân”... Tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, làm cho cuộc sống người dân được nâng lên, đời sống văn hóa tốt hơn, môi trường sống an toàn hơn. Quan tâm thực hiện các chính sách cho đồng bào vùng dân tộc, miền núi, vùng biển bãi ngang, hải đảo, những nơi còn nhiều khó khăn, các hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo. Quan tâm tiếp dân, lắng nghe tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng và giải quyết thỏa đáng quyền lợi chính đáng của người dân. Tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đạo đức trong Đảng và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu để vận động nhân dân noi theo, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Khối chính quyền phải thực hiện quyết liệt và có hiệu quả hơn nữa cải cách thủ tục hành chính đi liền với xây dựng đạo đức, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự gần dân, trọng dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những cán bộ tham nhũng, cán bộ có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc cho người dân; tạo điều kiện để người dân giám sát cán bộ, góp ý cán bộ cả ở nơi cư trú... Đồng thời Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp phải năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; thực sự là cầu nối giữa dân với Đảng, Nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có đạo đức cách mạng trong sáng, thật sự tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, gần gũi với nhân dân, được nhân dân tin yêu để vận động nhân dân. Tổ chức thực hiện sâu rộng, có hiệu quả phong trào thi đua “dân vận khéo”; nhân rộng những mô hình, điển hình dân vận có hiệu quả để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong toàn xã hội.

Đảng ta xem công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác dân vận, phải đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác dân vận về con người, nguồn lực, phương tiện... để công tác dân vận có thể “đi trước một bước”, làm cho dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ; có như vậy, ý Đảng mới phù hợp với lòng dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển đất nước.

Dương Văn An

(1): Ban Dân vận Trung ương, “Tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, trang 141.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi: 
Cần khai thác tốt hơn lợi thế, tiềm năng thị xã
BTO-Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, vào sáng nay, 24/4. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí đại diện Vụ Địa phương II, Văn phòng TW Đảng; Cơ quan thường trực phía Nam, Ban Tuyên giáo TW Đảng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận trong điều kiện hiện nay