Theo dõi trên

Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Không nên tăng khung giờ làm thêm

14/08/2019, 09:35 - Lượt đọc: 85

BT- Sáng 13/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp UBND thị xã La Gi tổ chức hội nghị chuyên đề lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Phúc, Chủ tịch UBND thị xã La Gi Phạm Trọng Nhân chủ trì hội nghị. Gần 200 cán bộ công chức người lao động, Ban chấp hành công đoàn các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã La Gi tham dự.

                
Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Huỳnh    Thanh Cảnh.

Thảo luận Điều 108 về làm thêm giờ, đa số ý kiến cho rằng, không nên sửa đổi theo hướng tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ/năm so với Bộ luật hiện hành). Vì tăng thêm giờ, người lao động không có khả năng tái tạo sức lao động, không có thời gian được nghỉ ngơi, chăm lo gia đình. Quy định việc làm thêm giờ “Phải được sự đồng ý của người lao động”. Vai trò trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động là công đoàn cơ sở đại diện và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người lao động trong quan hệ lao động. Nên sửa đổi quy định làm thêm giờ “không quá 30 giờ trong 1 tháng”. Thảo luận Điều 24 và Điều 27 (Thử việc), một số ý kiến cho rằng nội dung thử việc được thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động ngay khi giao kết hợp đồng lao động là phù hợp.

Đối với Điều 170 (Tuổi nghỉ hưu), đa số ý kiến cho rằng việc quy định tuổi nghỉ hưu như luật hiện hành là phù hợp vì xu hướng xã hội hiện nay nên giữ mức cũ. Cũng có ý kiến đồng ý luật sửa đổi tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động trong điều kiện làm việc bình thường, mức tăng theo lộ trình từ năm 2021 mỗi năm tăng vài tháng để đạt đến ngưỡng 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Vì những người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm sẽ tiếp tục có chính sách động viên khích lệ, có đóng góp lớn cho xã hội. Có ý kiến thống nhất phương án 2 của Điều 35 (Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động): Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải đảm bảo cả 2 điều kiện là có lý do và phải báo trước trong thời hạn nhất định... Ngoài ra, một số quy định của dự thảo liên quan đến ký kết hợp đồng lao động; kỷ luật lao động; chế độ làm việc cho lao động nữ; tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; thủ tục lấy ý kiến về đình công...

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Huỳnh Thanh Cảnh ghi nhận và tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự hội nghị, đồng thời sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.

T.HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Không nên tăng khung giờ làm thêm