Theo dõi trên

Góp ý về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng

21/06/2017, 10:52 - Lượt đọc: 6

BTO- sáng ngày 19/6/2017 Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia phát biểu vào dự thảo Luật.

Thống nhất với đề xuất của Chính phủ đổi tên gọi của dự án Luật là “Luật Lâm nghiệp”. Với tên gọi này vừa bao quát, vừa phù hợp với thực tiễn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong tình hình hiện nay. Đồng thời, với tên gọi này thể hiện đầy đủ hơn tính chất, vai trò, vị trí của ngành Lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc doanh. Vì vậy việc chọn tên Luật Lâm nghiệp là phù hợp.

Về nội dung kinh doanh, chế biến và thương mại Lâm sản:

Tại Điều 4, Chương VIIIdự thảo quy định về nội dung kinh doanh, chế biến thương mại lâm sản là còn chung chung, chỉ chú ý khâu Thương mại mà chưa chú ý đến gốc vấn đề là để việc chế biến thương mại lâm sản bền vững là cần nguồn nguyên liệu. Nếu không có nguồn nguyên liệu bền vững thì lại phá rừng. Do đó, trong chương trình phát triển rừng cần cơ cấu nội dung nguồn nguyên liệu, trong đó lưu ý về cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ và nguồn giống,

Về căn cứ để giao rừng được qui định tại khoản 4, Điều 20, có quy định năng lực quản lý bền vững của tổ chức, cá nhân. Nhưng không quy định năng lực cụ thể, như thế nào về kinh nghiệm quản lý, về nhân lực, về tài chính. Đề nghị cần phải quy định rõ hơn trong dự thảo luật.

Tại điểm 3, Điều 24: Về thẩm quyền giải quyết chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng:

Thống nhất nhưng cần phải phân cấp việc này cho rõ để quản lý, kiểm soát chặt chẽ và làm rõ trách nhiệm từng cấp đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng; tránh tình trạng tùy tiện, làm mất rừng như một số trường hợp vừa qua.

Tuy nhiên, việc phân cấp về thẩm quyền cho chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng như dự thảo luật là chưa phù hợp. Nếu Quốc hội quy định chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn 50 ha trở lên, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, lấn biển từ 500 ha trở lên, rừng sản từ 1.000 ha trở lên, với quy mô như vậy là ít vì có những dự án phát triển kinh tế xã hội cần chuyển mục đích sử dụng rừng mà phải thông qua Quốc hội thì vừa chưa xứng tầm về quy mô, vừa mất nhiều thời gian và làm chậm tiến độ chuẩn bị đầu tư của dự án. Theo đó, đề nghị:

Đối với thẩm quyền của Quốc hội:

(1) Nâng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn từ 100 ha trở lên thay vì 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, lấn biển từ 1.000 ha trở lên thay vì 500 ha; còn rừng sản thì nên từ 2.000 ha trở lên thay vì 1.000 ha như dự thảo.

(2) Đề nghị nên giao thẩm quyền này này cho Ủy ban thường vụ Quốc hội thì vấn giải quyết sẽ nhanh hơn, hơn nữa qua thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội có liên quan đã kỹ lưỡng thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định sẽ chính xác. Cuối năm sẽ báo cáo Quốc hội vấn đề chuyển mục đích sử dụng rừng để Quốc hội theo dõi và giám sát.

Đối với thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ: Đề nghị nâng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng của Quốc hội như nêu trên thì điều chỉnh nâng diện tích do Thủ tướng Chính phủ quyết định tương ứng sát dưới mức đề nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Đối với thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, thống nhất theo dự thảo, về thẩm quyền quyết định đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Riêng rừng sản xuất đề nghị nâng diện tích chuyển mục đích sử dụng lên 1000 ha thay vì 200 ha như dự thảo.

Đề nghị bổ sung nội dung hàng năm Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo việc chuyển mục đích sử dụng các loại rừng cho Quốc hội để theo dõi, giám sát, đề nghị đối với chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất thì chỉ quy định thực hiện, đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo thẩm quyền của Quốc hội và Thủ tướng như nêu trên, còn rừng trồng thì giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm tại điểm này là các tổ chức, cá nhân có dự án cần chuyển mục đích sử dụng các loại rừng phải thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế và nêu rõ trách nhiệm của từng cấp trong việc giám sát thực hiện nội dung này.

Về quản lý nhà nước chuyên ngành tôi cơ bản thống nhất với những nội dung đã được thể hiện tại Điều 93 và Điều 95. Tuy nhiên, tại Điều 94 liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp ở địa phương, qua thực tế về chế độ chính sách liên quan đến lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Hiện nay lực lượng này đảm nhận diện tích rừng quản lý bảo vệ lớn, nhiều nơi địa bàn rộng, núi rừng hiểm trở nên nhiệm vụ rất nặng nề, nhiều nơi thường xuyên đối mặt hiểm nguy với đối tượng phá rừng nhưng chế độ chính sách thì chưa bảo đảm, thu nhập thấp, chưa tương xứng. Do vậy tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm có chế độ chính sách đặt biệt cho lực lượng này. Vì vậy tại khoản 2, Điều 94, đề nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định về chế độ chính sách cho lực lượng này thỏa đáng theo tinh thần trên.

M. Hoàng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp ý về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng