Theo dõi trên

Góp ý về dự án Luật tố cáo (sửa đổi)

19/06/2017, 11:26 - Lượt đọc: 27

BTO- Chiều 16/6 Đại biểu Trần Hồng Nguyên – Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia phát biểu vào dự thảo Luật.

Về nội dung cụ thể của dự án Luật, đại biểu Trần Hồng Nguyên có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về hình thức tố cáo: nhất trí với quan điểm là việc quy định hình thức tố cáo cần tránh tình trạng lợi dụng để cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của người bị tố cáo. Tuy nhiên, nếu chúng ta không chấp nhận các hình thức tố cáo thông qua các phương tiện phổ biến trong giao dịch hiện nay như: qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… thì nguồn thông tin mà chúng ta tiếp nhận được sẽ chưa toàn diện, chưa đáp ứng tính kịp thời và như vậy công tác quản lý nhà nước nói chung, cũng như việc xử lý, ngăn chặn các sai phạm do cán bộ, công chức gây ra sẽ bị hạn chế. Nhất là trong điều kiện xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay, nếu hệ thống tiếp nhận tố cáo của Nhà nước không phát huy được tác dụng, thì những người tố cáo có thể dễ dàng đưa nội dung tố cáo đó lên các mạng xã hội hay các trang web không chính thức. Hơn nữa, các hình thức tố cáo này cũng được Luật phòng, chống tham nhũng quy định và cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo được nêu trong Chỉ thị số 50 ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị, đó là: nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật tố cáo bảo đảm các tố cáo về tham nhũng phải được giải quyết kịp thời, tránh tình trạng đùn đẩy, bao che, không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định pháp luật. Vì vậy, theo tôi, vấn đề Luật này cần giải quyết là đưa ra được một quy trình, thủ tục riêng biệt tương ứng với tính đặc thù của từng hình thức tố cáo để có biện pháp xử lý thông tin kịp thời, phù hợp chứ không nên hạn chế các hình thức tố cáo.

Thứ hai, về tố cáo nặc danh: nhất trí về nguyên tắc là không xem xét, giải quyết đối với tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, các phương tiện thông tin đại chúng và chương trình phóng sự Quốc hội với cử tri về dự án Luật tố cáo (sửa đổi) cho thấy tình hình khiếu nại, tố cáo rất phức tạp, thậm chí có những trường hợp dùng cả xã hội đen, giang hồ đe dọa người tố cáo. Trong khi đó quy định của pháp luật và việc thực thi bảo vệ người tố cáo còn hạn chế như hiện nay, thì chúng ta cũng cần quy định cơ chế đặc thù đối với trường hợp tiếp nhận đơn tố cáo nặc danh nhưng nội dung tố cáo đã cung cấp tài liệu, chứng cứ một cách rõ ràng và có căn cứ.

Thứ ba, quy định về áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo (Điều 3 dự thảo Luật)

Đề nghị cân nhắc quy định này vì những lý do sau đây: Quy định tại khoản 1 Điều này là không cần thiết, vì dự thảo Luật không có quy định về đối tượng áp dụng và theo khoản 1 và khoản 4 Điều 2 thì không phân biệt cá nhân là người Việt Nam hay người nước ngoài nên được hiểu bất cứ cá nhân nào sinh sống, làm việc ở Việt Nam đều có quyền tố cáo theo quy định của Luật này. Đồng thời, việc ưu tiên áp dụng Điều ước quốc tế đã được Luật ký kết điều ước quốc tế quy định, vì vậy cũng không cần thiết quy định như dự thảo.

Về quy định tại khoản 2 cũng cần được cân nhắc vì, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo, trừ trường hợp tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng. Nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn đến cách hiểu là bất cứ luật nào đều có thể có quy định khác về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tố cáo và giải quyết tố cáo và như vậy là không hợp lý. Việc áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, đề nghị bỏ nội dung này.

Thứ tư, về trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết tố cáo, đặc biệt là bảo vệ người tố cáo: công tác giải quyết tố cáo được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều cơ quan trong việc cung cấp, xác minh thông tin nên kết quả giải quyết tố cáo thành công hay không phụ thuộc rất nhiều đến sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ có hai Điều: Điều 6 quy định ở chương quy định chung có tính nguyên tắc và Điều 53, gồm 4 khoản quy định về nội dung này, trong đó chỉ có 01 khoản quy định chung chung là: Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện làm việc với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND cùng cấp để phối hợp trong công tác giải quyết tố cáo; 3 khoản còn lại chỉ quy định chung về trách nhiệm báo cáo định kỳ của các cơ quan. Quy định như dự thảo chưa thể hiện rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác phối hợp giải quyết tố cáo theo hướng tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là giữa các cơ quan chức năng trong công tác giải quyết tố cáo được nêu tại Chỉ thị số 35 ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị.  

Với cách tiếp cận như trên, phạm vi sửa đổi dự thảo Luật được điều chỉnh từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang Luật sửa đổi trong một khoảng thời gian không lâu, trong khi nhiều quy định mới được bổ sung có tác động xã hội rất lớn, nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn hiện nay. Do đó, để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật, đề nghị Quốc hội dành thêm thời gian để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động một cách toàn diện, sâu sắc hơn và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp tiếp theo.

M Hoàng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp ý về dự án Luật tố cáo (sửa đổi)