Theo dõi trên

Hành động từ thực tế

28/09/2021, 10:05

Bài 1: Chủ động và sáng tạo

BT- Cho đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã từng bước được kiểm soát, khi số ca mắc mới đang giảm xuống từng ngày. Điều này cho thấy công tác phòng chống dịch đang đi đúng hướng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP. Phan Thiết.

Những cuộc họp khẩn

Trở lại thời điểm tối ngày 23/6, Viện Pasteur Nha Trang trả kết quả xét nghiệm, Bình Thuận có 1 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Ngay lập tức, hệ thống phòng chống dịch của tỉnh đã được kích hoạt. Một cuộc họp khẩn giữa ngành y tế với TP. Phan Thiết, huyện Tuy Phong trong đêm đã được diễn ra, các phương án, biện pháp để điều tra dịch tễ, phun khử khuẩn, rồi đưa các F1 tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 được đưa ra. 0 giờ 45 phút ngày 24/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã họp khẩn với Sở Y tế để nhận định tình hình, xác định tính chất mức độ của ca bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị phải tập trung mọi nguồn lực để điều tra truy vết nhanh, tiến hành xét nghiệm diện rộng, phong tỏa đầy đủ để đưa toàn bộ các trường hợp F1, F2 cách ly kịp thời. Phương hướng ứng phó với dịch bệnh lần này là truy vết thần tốc, xét nghiệm càng nhanh càng tốt, cố gắng khống chế tốt nguồn lây, không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Ngay trong đêm 23, rạng sáng ngày 24/6, ngành chức năng đã xác định được 308 trường hợp F1 và đưa đi cách ly. Và chỉ 1 ngày sau, ngày 25/6, ngành chức năng đã xác định được BN 14252 nhiễm SARS-CoV-2 từ nhà xe Trung Đức, hoạt động vận tải hành khách trên tuyến Bắc - Nam. 

Việc tìm ra nguồn lây của BN 14252 đã lộ ra một "yếu huyệt" trong việc kiểm soát người ra vào tỉnh. Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh dài đến 192km thì cách nào để kiểm soát được hàng ngàn phương tiện lưu thông qua đây mỗi ngày là một “bài toán cần có lời giải”. Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh ngày 26/6, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã đặt vấn đề xây dựng một quy trình kiểm soát các phương tiện đi trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh. "Ở đây, chúng ta không phải thực hiện việc "ngăn sông cấm chợ", ngăn không cho các phương tiện ra vào tỉnh mà là thực hiện yêu cầu các phương tiện khai báo để thực hiện tốt việc kiểm soát dịch mà thôi", Bí thư Tỉnh ủy gợi ý. Đúng 2 ngày sau, ngày 28/6, UBND tỉnh đã thành lập 3 trạm dừng, đỗ cho xe ô tô khách liên tỉnh trên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Thuận. Một quy trình chung, hướng dẫn cụ thể đã được ban hành. Trong cuộc họp trực tuyến với 5 tỉnh: Bình Thuận, Quãng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra vào chiều ngày 28/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá, việc Bình Thuận cho các xe khách đường dài được dừng ở những điểm cố định là đúng và hợp lý. Nhu cầu đi lại của người dân là rất lớn, các địa phương cần chủ động thực hiện các biện pháp để vừa kiểm soát các phương tiện đi trên quốc lộ vừa không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm từ các hành khách. Cũng từ mô hình của Bình Thuận, Bộ Giao thông Vận tải đã ra văn bản đề nghị các tỉnh có tuyến quốc lộ 1A đi qua khảo sát thành lập các điểm dừng chân cố định cho những xe vận tải hành khách đường dài để hạn chế sự lây lan của dịch.

Đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 được đánh giá là nhanh và khó kiểm soát hơn những đợt dịch trước. Bình Thuận cũng không ngoại lệ, ngày 14/7, dịch bùng phát ở thị xã La Gi. Và cũng từ đây, cuộc chiến chống dịch Covid-19 bắt đầu bước vào giai đoạn căng thẳng nhất.

 Những biện pháp xuất phát từ thực tiễn

0 giờ ngày 15/7, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với thị xã La Gi. Quyết định này khiến nhiều người dân ở thị xã bất ngờ. Bởi, trưa ngày 14/7 UBND tỉnh thống nhất đề xuất của thị xã áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15, nhưng đến chiều cùng ngày thì quyết định áp dụng Chỉ thị 16. Nhưng sau khi dịch bệnh ở La Gi diễn biến vô cùng phức tạp đã chứng minh sự thay đổi vào phút cuối này của UBND tỉnh là quyết định đúng đắn, kịp thời, phù hợp với thực tế và là một trong những yếu tố góp phần làm giảm sự lây lan của đại dịch Covid-19 trên địa bàn thị xã. Rồi khi tình hình dịch bệnh ở La Gi diễn biến khó lường, UBND tỉnh đã quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội cao hơn so với Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 27/8 đến hết ngày 15/9). Trong khoảng thời gian này, người dân tại thị xã được yêu cầu tuyệt đối không ra khỏi nhà, nơi cư trú, “ai ở đâu thì yên ở đó”. Đồng thời tăng cường xét nghiệm truy vết bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, thực hiện triệt để nhà cách ly với nhà. Biện pháp cứng rắn này đã mang lại hiệu quả quan trọng khi ngành chức năng đã bóc tách được 449 F0 ra khỏi cộng đồng.

Tại thị xã La Gi, ngay sau khi áp dụng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài việc phòng chống dịch, công tác an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống cho người nghèo được triển khai. Bởi, phải có đủ bữa ăn hàng ngày thì người dân mới yên tâm ở trong nhà. UBND thị xã đã xây dựng các phương án để đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân trong suốt thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Ngày 16/7, Phước Hội là phường đầu tiên áp dụng việc đi chợ giúp người dân trong các khu vực cách ly phong tỏa. Rồi vài ngày sau mô hình này được nhân rộng ra khắp thị xã. Hàng trăm đoàn viên thanh niên, thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, hội phụ nữ mỗi buổi sáng đến từng khu phố để nhận phiếu ghi các nhu yếu phẩm, giúp người dân có đủ bữa ăn hàng ngày. Rồi những nhà hảo tâm, hội thiện nguyện đã tặng hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm giúp người dân, trường hợp khó khăn trên địa bàn an tâm chống dịch. Mô hình này, sau đó cũng được áp dụng thành công ở TP. Phan Thiết và các khu vực phong tỏa trên địa bàn toàn tỉnh. "Nếu tỉnh ta không áp dụng những biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn và sáng tạo như thời gian vừa qua thì tình hình dịch bệnh đã diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Phát hiện ca mắc Covid-19 ở cùng một thời điểm và có chung nguồn lây từ TP. Hồ Chí Minh, nhưng dịch bệnh ở Phú Yên, Khánh Hòa diễn biến phức tạp, số ca mắc cao hơn rất nhiều Bình Thuận. 2 địa phương này đã phải nhờ Trung ương cử lực lượng vào hỗ trợ…", ông Nguyễn Văn An, trú phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết chia sẻ.

Rồi tại TP. Phan Thiết, trong quá trình chống dịch, ngành chức năng đã nhận ra trong các hẻm nhỏ tập trung đông dân cư tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Thực tế cho thấy, môi trường ở những khu vực này ẩm thấp, nhà cửa san sát rất khó để người dân thực hiện tốt việc giãn cách. Thành phố đã kiến nghị tỉnh áp dụng việc đưa người dân ở khu vực này đi cách ly tập trung để hạn chế khả năng lây nhiễm. Ngày 24/8, UBND tỉnh chính thức cho phép TP. Phan Thiết và các địa phương trong tỉnh đưa người dân ở khu vực có đường vào nhỏ hẹp, nguy cơ cao đi cách ly tập trung. Biện pháp này đã "khoanh vùng" nguồn lây ở những khu vực có nguy cơ cao như Đức Long, Bình Hưng của TP. Phan Thiết và phường Bình Tân của thị xã La Gi.

Không chỉ áp dụng nhanh, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch mà ngay trong quá trình đó, các ngành chức năng của tỉnh đã tìm hiểu về các biện pháp để chuẩn bị cho phương án "sống chung với dịch".

"So với các tỉnh khác trong khu vực thì hệ thống cơ sở vật chất và năng lực điều trị của tỉnh còn nhiều hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải chống dịch với tinh thần áp dụng cao hơn hoặc bằng các biện pháp phòng chống dịch mà ngành chức năng dự báo". Phương châm phòng chống dịch này được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong thường xuyên đề cập trong các cuộc họp và đây cũng là định hướng để các ngành chức năng triển khai nhiệm vụ.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành động từ thực tế