Theo dõi trên

Hào khí tháng tư

19/04/2017, 08:05 - Lượt đọc: 66

BT- Đầu tháng 2/1975 (hạ tuần tháng chạp năm Giáp Dần) cơ quan đã tổ chức ăn tết sớm hơn mọi năm, vì đang vào tâm điểm của chiến dịch. Phần đông các anh chị được phân công cùng các chú lãnh đạo áp xuống bàn đạp để theo dõi chỉ đạo phong trào ở từng địa bàn. Mỗi bộ phận chỉ vài người ở lại trực văn phòng, điện đài, cơ yếu, bảo vệ cơ quan và mang tải lương thực dự trữ, chăn nuôi, sản xuất cải thiện đời sống…

                
Quân giải phóng vào Phan Thiết sáng    19/4/1975. Ảnh: Ngô Đình Cường

Thời điểm chiến dịch Tây nguyên, Ban Mê Thuột đã được cách mạng làm chủ một số vùng, hằng ngày trên đường đi tải chúng tôi gặp nhiều tốp đồng bào di tản chạy từ Đắc Lắc, Lâm Đồng theo đường 8 (nay là quốc lộ 28) về Phan Thiết. Dòng người phần đông là phụ nữ, người già, trẻ em và một số thanh niên có lẽ binh lính rã ngũ trà trộn vào. Gặp bọn tôi họ sợ quỳ sụp xuống, nhìn mấy đứa nhỏ khóc mếu máo có lẽ bị đói thấy mà thương. Lần đó anh Sinh bảo họ: “Đừng sợ, chúng tôi là cách mạng, là giải phóng quân, không ai làm hại đồng bào đâu”. Anh bảo tụi tôi đưa nước, khoai mì, còn anh gom củi lại nướng mì cho tụi nhỏ ăn rồi chỉ đường cho họ đi tiếp. Mấy ngày sau cũng trên cung đường này gặp toán tàn quân, các anh không cho tiếp xúc, bắt tụi con gái núp vào bụi rậm vì sợ họ bắn càn. Không khí ở khu vực cơ quan tỉnh lúc này chộn rộn lắm. Mỗi lần ra khỏi cơ quan là gặp cảnh đồng bào, tàn binh chạy di tản. Cơ quan canh gác nghiêm ngặt hơn vì sợ những người này chạy càn vào nơi làm việc. Có lần trên đường đồng bào di tản, địch cho máy bay rà bắn xối xả hai bên đường 8 và bắn vào bà con đang chạy loạn, có nhiều người bị thương, các cơ quan đóng gần đó phải phân công người mang nước uống, thức ăn đón đường giúp đỡ và cứu chữa đồng bào bị thương... Chủ yếu địch đánh vào các cơ quan đầu não của tỉnh đóng quanh đường 8, vì chúng biết các cơ quan tỉnh đã di chuyển xuống gần đồng bằng để phục vụ chiến dịch. Có vài lần máy bay địch bắn rốckét và cắt bom xuống gần cơ quan Tỉnh ủy, tất cả anh chị em đều được lệnh xuống hầm trú ẩn. Tin thắng trận từ các tỉnh miền Trung, Tây nguyên mấy ngày này truyền về tới tấp. Mọi người ai ai cũng khấp khởi vui mừng, lòng mong chờ ngày thắng lợi hoàn toàn. Không khí ở cơ quan tuy còn ít người nhưng cũng rộn ràng, tất bật. Chủ trương chung lúc này là hết sức cảnh giác, đề phòng gián điệp trà trộn theo chân đồng bào chạy loạn nhằm tìm vị trí đóng quân của các cơ quan tỉnh để đánh phá, đồng thời với tinh thần bồng bị sẵn sàng, tài liệu, đồ đạc văn phòng và các bộ phận, kho tàng... phải được sắp xếp gọn gàng, để có lệnh là xuống đường về tiếp quản Phan Thiết. Nhưng cũng nhắc nhau đề phòng tư tưởng chủ quan, khinh địch, mất cảnh giác để nếu có bị phản kích thì đồ đạc vẫn còn để phục vụ cho tập thể và cá nhân.

Chỉ trong một thời gian ngắn mà cơ quan phải dời chỗ liên tục. Từ cây số 36 dời về cây số 32, xuống Sông Khô (Hàm Trí), rồi lại được lệnh di chuyển xuống sát đồng bằng hơn nữa để kịp phục vụ chiến dịch. Chiều hôm đó tới chỗ ở mới, nghe mấy anh chị gọi là suối Cá Trê, xung quanh trống trải, không có rừng cây lớn, chỉ có những lùm cây thấp và những bụi tre già che phủ dọc hai bên bờ suối. Nơi này chắc là chỗ ở của đơn vị địa phương nào đó, vì có nhiều hầm hào trú ẩn. Ban ngày nếu không có máy bay hoặc phi pháo thì làm việc, ăn uống ở trên, còn ban đêm phải ngủ dưới hầm, nhất là chị em nữ. Lúc đó  anh Phan Nga nói: “Bắt các đồng chí ngủ hầm là bảo vệ cho các đồng chí, nằm bên trên nó “thụt” bất tử (bắn pháo) lúc đó biết hầm ở đâu mà chui, sắp hòa bình rồi, cố gắng bảo vệ mình, thà đi đánh giặc hy sinh chứ đừng có chủ quan mà chết uổng mạng”. Những ngày ở địa điểm mới này cũng không kém phần căng thẳng. Hằng ngày có lúc trời vừa sáng hoặc có lúc vào trưa, buổi tối… từng tốp máy bay lượn, đảo, rà sát khu vực cơ quan đóng, rồi ném bom, bắn phá cày nát vùng này.

Những chùm bom, pháo tới tấp nện xuống làm bầu trời và mặt đất nơi đây rung chuyển. Trưa hôm ấy cơ quan đang chuẩn bị ăn cơm thì nghe tiếng gầm rú của hàng đoàn máy bay rà tới. Mọi người ai nấy lao xuống hầm, người không kịp chui hầm thì lũi đại đâu đó. Tốp máy bay này vừa thả bom ầm ầm bụi cát mù mịt, chưa kịp định thần thì tốp khác lại lao đến bắn rốckét xuống các lùm tre, bụi rậm, dọc các khe suối mà chúng nghi ngờ bộ đội trú quân. Sau trận độc chiến trên không ấy, chúng cũng lao vội đi như lúc chúng bất ngờ lao đến, để lại một bãi chiến trường đất đá vung vãi, một vạt rừng thưa cành lá gãy nát xác xơ cùng những bụi tre già bật gốc nằm vương vãi trên miệng hố bom. Cơm canh thì trộn toàn đất đá, không còn gì để ăn. Nghe nói hôm ấy mấy đơn vị đóng gần đâu đó cũng có thương vong.

Về chỗ mới lần này cũng không được bao lâu, lại có lệnh di chuyển sâu hơn vào vùng ven đô gần nơi có đồng bào sinh sống. Ngày gần kề giải phóng Phan Thiết, cơ quan chuyển xuống suối Ông Đa. Ở tại đây từng ngày, từng giờ mọi người đều đón nhận những tin vui chiến thắng nức lòng, nhất là tin giải phóng Ma Lâm - Thiện Giáo; rồi sau đó nghe tin giải phóng thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, quân ta đã chiếm giữ sân bay Thành Sơn… mọi người nhảy múa, reo hò. Tiếp đến nghe tin Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Lý đã được giải phóng thì niềm vui như được nhân đôi, anh chị em trong các cơ quan vui mừng khôn xiết, reo vui biểu thị sự khao khát tự do, yêu chuộng hòa bình theo mỗi tin chiến thắng... Đến sáng 18/4/1975, các cơ quan dân chính được lệnh di chuyển sâu vào làng Xuân Phong - Đại Nẫm thuộc vùng ngoại vi Phan Thiết để chờ lệnh vào thị xã. Rạng sáng hôm sau niềm vui sướng như vỡ òa khi nghe tin bộ đội ta đã đánh chiếm Tòa tỉnh - dinh thự của đại tá tỉnh trưởng Ngô Tấn Nghĩa - trung tâm tỉnh lỵ Bình Thuận. Thị xã Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận đã được giải phóng hoàn toàn. Đến khoảng 9 - 10 giờ trưa 19/4/1975, lại một phen khiếp vía vì một tốp máy bay từ phía Sài Gòn bay ra quần đảo rồi dội bom ầm ầm xuống trung tâm thị xã. Mấy anh chị em cơ quan ai cũng lo, không biết tình hình trong nội thị ra sao?  Nhưng sau đó nghe nói nó định đánh bom cầu Trần Hưng Đạo và cầu Quan, bộ đội ta kịp thời bắn trả nên chúng dội bom bừa rồi chuồn nhanh, làm sập đổ một số nhà dân quanh khu vực, ta bảo vệ được cầu. Chiều tối hôm ấy tôi với mấy anh chị em văn thư, văn phòng được đi chiếc xe Jeep (chiến lợi phẩm) do anh Tư lái đưa vào trước, số còn lại sẽ tiếp tục vào. Hai bên đường vào thị xã, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay phấp phới, đồng bào vẫy tay chào các đoàn giải phóng quân trở về. Trên đường đi vào thị xã Phan Thiết và khi xe dừng lại trong sân Tòa hành chính tỉnh (UBND tỉnh bây giờ) tôi cứ tưởng mình mơ, không sao tả được tâm trạng mỗi người chúng tôi trong lúc này!

42 năm qua đi, quá khứ cũng đã dần khép lại, nhưng hào khí của những ngày tháng tư lịch sử vẫn còn vang vọng mãi, không một ai có thể lãng quên. Với tôi, có dịp nhắc lại trong lòng vẫn dậy lên khí thế hào hùng năm ấy và cứ ngỡ  như vừa mới đâu đây.

Nguyễn Thị Hữu Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hào khí tháng tư