Theo dõi trên

Học tập phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh

27/10/2020, 08:09

BT- Là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một danh nhân văn hóa thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Những lời khuyên bảo sâu sắc, chân tình của nhà báo mẫu mực và từng trải Hồ Chí Minh, những kinh nghiệm làm báo quý báu của Bác, tính chân thực và giản dị trong phong cách báo chí của Người, vẫn vô cùng thiết thực và bổ ích với mỗi người làm báo ngày nay.

                
      Nhà báo cách mạng - Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh    tư liệu

Viết ngắn gọn, giản dị và súc tích là một đặc trưng nổi bật trong văn phong báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1962 tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam, Người phê bình các báo: “Bài báo thường quá dài “dây cà ra dây muống” không phù hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng”. Người khuyên: “Cần phải tránh cái lối viết “rau muống”, nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”... Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy mà nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy”.

Không chỉ phê bình lối viết dài và rỗng, Người còn phê bình báo chí “thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”. Theo Người, một nhiệm vụ quan trọng của báo chí là vừa biểu dương cái tốt, vừa phê bình cái chưa tốt, tránh “tô hồng” hoặc “bôi đen” một chiều. Bác nhắc nhở: “Không nên chỉ nói cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại... Phê bình phải phê bình thật thà, chân thành, đúng đắn”. “Phê bình phải nghiêm chỉnh, nói có sách, mách có chứng, phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng “trị bệnh cứu người”, chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”.

Bác luôn căn dặn các nhà báo phải trung thực, coi đó là một tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp. “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết chớ nói, chớ viết càn”. Bác khuyên các tòa soạn báo: “Khi nhận được phê bình của quần chúng, thì không nên vội đăng mà phải lựa chọn, điều tra. Khi phải trái đã rõ ràng mới đăng lên báo. Như vậy, phê bình mới có kết quả thiết thực”. Bác dặn: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Bác yêu cầu nhà báo phải có trách nhiệm cao với nội dung bài báo của mình. Không được vội vàng mới nghe qua đã viết. Là một nhà báo từng trải, lão luyện, Người chân thành khuyên các nhà báo trong tác nghiệp phải biết “nghe”, biết “hỏi”, biết “thấy”, biết “xem” và biết “nghĩ”.

Kỷ niệm Ngày thành lập Báo Bình Thuận (27/10), ôn lại chặng đường 44 năm ra đời, trưởng thành của tờ báo là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và diễn đàn của nhân dân Bình Thuận, mỗi người làm báo cần học tập phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm rèn luyện, phấn đấu để trở thành những học trò của Bác. Trong thời đại “báo chí 4.0” những người làm báo Đảng vừa phải làm chủ công nghệ để truyền tải thông tin thật nhanh chóng, chính xác đến công chúng, vừa phải đảm nhận trọng trách định hướng dư luận, mạng xã hội, gợi mở những suy nghĩ, hành động tích cực cho quần chúng nhân dân.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học tập phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh