Theo dõi trên

Hợp nhất hàng loạt Sở là cơ hội loại bỏ cán bộ yếu kém

18/04/2018, 14:12

“Có sắp xếp bộ máy hợp lý đến đâu mà người vận hành không tốt thì hiệu quả không cao. Do đó, gắn liền với cải cách tổ chức bộ máy là cán bộ”.

Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng hợp nhất để giảm hàng chục sở trên cả nước. Cùng với đó là quy định các tiêu chí để xác định số lượng cấp phó cũng như thành lập cơ quan chuyên môn bên trong sở. Ủng hộ hướng mà Bộ Nội vụ đề ra nhằm giảm đầu mối và bớt sự chồng chéo, nhưng đại biểu Lê Thanh Vân – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban TC-NS của Quốc hội nhấn mạnh làm rõ chức năng, nhiệm vụ hơn nữa mới dễ định biên.

PV: Dự thảo nghị định về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đang được nhiều ý kiến. Vấn đề nhiều người quan tâm là việc hợp nhất, sáp nhập các sở. Quan điểm của ông thế nào?

Ông Lê Thanh Vân: Nguyên lý vận hành tổ chức bộ máy là phân công quyền lực rành mạch. Tôi cho rằng phải hạn chế tối đa sự lạm dụng trong phối hợp để tránh đùn đẩy trách nhiệm. Như quân lệnh nhà binh khi hợp đồng tác chiến là các cánh quân đến đúng giờ, ai làm việc ấy.

                
      
      Đại biểu Lê Thanh    Vân: "Đây là thời điểm đỉnh cao mà nút thắt phải gỡ"

Về nguyên lý phải trên cơ sở chức năng để xác định nhiệm vụ và từ đó định ra bao nhiêu việc làm để biết số lượng biên chế. Vấn đề này được bàn nhiều và cơ bản định hướng trong nghị quyết của Đảng khá rõ nhưng tổ chức thực hiện không nghiêm, một nguyên nhân là do người đứng đầu.

Bây giờ do tác động từ khách quan như sức ép chi tiêu ngân sách, sự chưa hài lòng của nhân dân và chính bộ máy nhận thấy hiệu lực hiệu quả chưa cao nên việc tổ chức sắp xếp lại không thể không làm. Đây là thời điểm đỉnh cao mà nút thắt phải gỡ, lần này Đảng quyết tâm chỉ đạo và thực hiện cụ thể.

PV: Theo Bộ Nội vụ thì có đến 17 sở có thể hợp nhất ngoài 4 Sở được tổ chức thống nhất. Ông đánh giá như thế nào về các phương án được đưa ra?

Ông Lê Thanh Vân: Đây là vấn đề liên quan đến sắp xếp đơn vị cụ thể và  dường như mới “cộng dồn” mà chưa bắt nguồn từ vấn đề gốc rễ là xác định rõ chức năng.

Xu hướng chung là xã hội lớn và Nhà nước hẹp, tức chức năng Nhà nước đến lúc xem xét thu hẹp, mà cơ bản là thu hẹp chức năng về kinh tế, cái nào không cần thiết thì Nhà nước không nhất thiết phải nắm.

Phương án hợp nhất là nhằm thu gọn đầu mối, nhưng quan trọng là chức năng của các sở đã hợp lý chưa? Thời điểm này cũng là cơ hội để tổng kết, đánh giá.

PV: Có ý kiến lo ngại liệu có thu hẹp về đầu mối bên ngoài nhưng chưa giải quyết được bên trong?

Ông Lê Thanh Vân: Vấn đề đặt ra là nhân cơ hội này rà lại việc thực hiện chức năng của các cơ quan. Tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là tinh gọn nhưng việc làm cụ thể thì cơ quan tham mưu trên cơ sở tổng kết đánh giá.

Phải rà soát chức năng nhiệm vụ, thu hẹp phương diện hoạt động của cơ quan Nhà nước đến đâu và thực hiện chức năng đó có bao nhiêu nhiệm vụ. Nhà nước quản lý bằng công cụ pháp luật và kiểm soát bằng pháp luật, tức ban hành quy tắc xử xự và kiểm soát việc thực hiện quy tắc đó. Các dịch vụ công nếu không cần thiết thì để xã hội làm. Như bộ ngành có cục quản trị, bản chất là dịch vụ thuần tuý như lau dọn nhà cửa, bố trí xăng xe... thì các nước có công ty chuyên lo những việc này. Hay kế hoạch và tài chính đều phân phối nguồn lực thì không nhất thiết tồn tại như thế...

Một vấn đề nữa là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ. Điều ai cũng biết là có sắp xếp bộ máy hợp lý đến đâu mà người vận hành không tốt thì hiệu quả không cao. Gắn liền với cải cách tổ chức bộ máy là cán bộ nên đây là cơ hội để loại bỏ những thành phần tham nhũng, lạm quyền, yếu kém. Để làm được điều đó thì phải có chính sách trọng dụng nhân tài.

PV: Có ý kiến cho rằng có thể quy định cứng việc hợp nhất các sở vì việc giao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết có thể dẫn đến sự chần chừ hoặc chọn phương án ít động chạm?

Ông Lê Thanh Vân: Tôi nghĩ khác. Về nguyên tắc tôi đồng tình với Bộ Nội vụ, hướng đưa ra là đúng vì 63 tỉnh thành không đồng dạng về lợi thế địa lý, tiềm năng phát triển, phân bố dân cư... thì có thể có sự khác nhau. Nhưng cần xác định nguyên tắc để địa phương lựa chọn và nếu không có điều kiện kèm theo thì dễ tuỳ tiện, lạm dụng trong hợp nhất, sáp nhập bộ máy.

Trước tiên là trách nhiệm người đứng đầu, anh lựa chọn sai thì chịu trách nhiệm cụ thể chứ không phải trách nhiệm chung chung. Đó cũng là cơ chế để ai bất tài vô hạnh không dám bước lên vũ đài chính trị, là bước ngăn chặn lòng tham.

Cái Tổng Bí thư nói là “không thể, không muốn và không dám” chính là chế độ trách nhiệm. Không có tài năng thì không dám, bỏ đi ưu đãi đặc quyền đặc lợi thì không muốn và điều kiện ngặt nghèo thì không thể.

Một vấn đề nữa là khoán chi tài chính buộc người ta phải tự điều chỉnh, biết dùng người tài. Ngoài ra cần có sự giám sát của cấp trên và định kỳ đánh giá thì bộ máy hoạt động thông suốt.

PV: Việc sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi hợp nhất, sáp nhập cũng là vấn đề lớn, thưa ông?

Ông Lê Thanh Vân: Thực ra do tâm lý nhận thức của cán bộ mà thôi. Đội ngũ cán bộ cơ bản là đảng viên, khi vào Đảng nói sẵn sàng chấp hành theo sự phân công thì khi được sắp xếp lại anh phải vui vẻ nhận lời chứ. Con người ta có tâm lý cố hữu lên là không xuống. Do đó cần quan tâm công tác tư tưởng, còn khi đã là nhiệm vụ mà không chấp hành thì phải kỷ luật, thế mới nghiêm.

Ngoài ra phải có quy chế cụ thể đảm bảo sự công bằng. Ví dụ dôi dư 10 phó mà chỉ cần 1 phó thì tổ chức thi tuyển công tâm, khách quan. Còn chức vụ do bầu cử thì tổ chức để những người đó trình bày chương trình hành động nhằm thuyết phục. Như khi đá bóng anh ra sân thể hiện cho người ta thấy.

PV: Trong tình hình hiện nay thì việc Bộ Nội vụ đề xuất các phương án có thể giúp giảm tối thiểu từ 46-88 sở trên cả nước rõ ràng là bước chuyển tiến bộ, thưa ông?

Ông Lê Thanh Vân: Bước đi của Đảng thời gian gần đây là cẩn trọng, chắc chắn, bài bản. Nhưng nếu “trên nóng dưới lạnh” thì không giải quyết được nên cần có sự chuyển động mạnh mẽ từ trên xuống dưới.

Việc giảm sở có ý nghĩa tinh giản đầu mối, hạn chế sự chồng lấn về chức năng nhưng cần phải phân công mạch lạc để không giẫm đạp về chức năng. Tinh giảm đầu mối mà chức năng không thay đổi thì có thể chỉ là sự lắp ghép cơ học.

PV: Xin cảm ơn ông!.

Ngọc Thành/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hợp nhất hàng loạt Sở là cơ hội loại bỏ cán bộ yếu kém