Khẩn trương xây dựng quy hoạch c
Khẩn trương xây dựng quy hoạch
cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh
BTO- Trong các ngày 3 -
4/11/2020, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã có phiên thảo luận toàn thể ở hội
trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách
nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà
nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.

Đánh giá kết quả thực hiện kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm 2020-2025, bà Bà Bố Thị Xuân Linh và Bà Trần
Hồng Nguyên, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ quan tâm một số
vấn đề mà cử tri tại địa phương quan tâm.
Đối với nhiệm vụ khẩn trương
lập, ban hành các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo
Luật Quy hoạch, chúng ta cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác
quy hoạch hiện nay. Theo đại biểu Nguyên, đây là điều kiện quan trọng để khơi
dậy, động viên, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước và là cơ sở
để địa phương sớm triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, các dự án phát
triển kinh tế - xã hội trên khu vực chồng lấn titan tại địa bàn Bình Thuận tồn
tại nhiều vướng mắc, khó khăn, gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội tại
địa phương. UBND tỉnh đã rà soát và có báo cáo đề xuất với các cơ quan có thẩm
quyền đề nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế
biến, sử dụng quặng titan và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn
tỉnh Bình Thuận. Theo đó, đại biểu đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng
các Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm sớm hoàn thiện
hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ các quy
hoạch nêu trên. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành và hoàn thiện các văn
bản hướng dẫn thi hành về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản
quốc gia để địa phương triển khai thực hiện.
Cũng với nhiệm vụ có liên
quan tới công tác lập quy hoạch trong thời gian tới, đại biểu Bố Thị Xuân Linh
cho rằng vấn đề phát triển kinh tế biển được Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành
Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm
2020 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển
theo hướng phát triển bền vững; Chính phủ đã ban hành và phê duyệt nhiều nghị
quyết và quyết định quan trọng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo
vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, các ngành, các cấp,
các doanh nghiệp … từ trung ương đến các địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch,
chương trình hành động cho từng lĩnh vực và ở từng địa bàn bước đầu triển khai
có những kết quả đáng khích lệ. Vấn đề này, trong báo cáo của Chính phủ chưa
hoặc ít đề cập các biện pháp, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Đại biểu Linh đề nghị Chính
phủ cần chú trọng quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và
luật pháp về lĩnh vực biển, đảo và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh
tế biển, đảo.
Trên cơ sở chủ trương, định
hướng phát triển chung của cả nước, cần có quy hoạch tổng thể chung cũng như đối
với từng khu vực, địa phương trong đó có tỉnh Bình Thuận với chiều dài bờ biển
là 192km; tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sự phân tán thiếu tập trung
giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành.
Cũng ảnh hưởng rất xấu đến sự
phát triển của đất nước là tình hình bão lũ nghiêm trọng tại các tỉnh Bắc Trung
bộ gần đây, theo đó, đại biểu Linh đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần phải đánh
giá một cách sâu kỹ và toàn diện hơn về nguyên nhân của tình hình biến đổi khí
hậu hiện nay là do thiên tai, nhân tai như thế nào để chúng ta có đủ cơ sở tiếp
tục xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch vùng, đề ra các
giải pháp, nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo và ứng phó kịp thời để giảm nhẹ
các loại hình thiên tai xảy ra.
Liên quan đến kinh tế biển,
đại biểu Nguyên cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định cụ thể các chính
sách đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động thủy sản theo Luật Thủy sản
năm 2017, nhất là các chính sách đầu tư của Nhà nước đối với cảng cá loại 1,
loại 2, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, hạng mục hạ tầng thiết yếu cho khu
bảo tồn biển và chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy
sản, chuyển đổi nghề, nhằm giảm khai thác thủy sản ven bờ và hỗ trợ cho các địa
phương vùng biển còn nhiều khó khăn có điều kiện để phát triển nghề cá có trách
nhiệm và bền vững.
Nhất là trong giai đoạn hiện
nay, chúng ta đang thực hiện các giải pháp khắc phục, khuyến nghị của Ủy ban
châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU,
gỡ cảnh báo thẻ vàng. Mặt khác, thực tiễn tại nhiều tỉnh thành ven biển trong cả
nước cho thấy vấn đề quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động xuất bến ngoại tỉnh
đang bộc lộ nhiều bất cập như không nắm được tình hình lao động trên tàu, hành
trình neo đậu, xuất nhập bến khi tàu đi ra ngoài tỉnh, không khai báo với lực
lượng chức năng hoặc né tránh việc kiểm tra, kiểm soát tại địa phương nơi đến.
Theo đại biểu Nguyên, đây là
những đối tượng có nguy cơ rất cao vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước
ngoài, gây nhiều hệ lụy cho cả địa phương, nơi đi nơi đến, ảnh hưởng đến nỗ lực
chung của cả nước. Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua đã có một số tỉnh
ký quy chế phối hợp quản lý tàu cá giữa các địa phương nhưng hiệu quả thực hiện
chưa cao, vẫn còn tình trạng tàu cá tỉnh này xuất bến tại tỉnh kia, vi phạm khai
thác vùng biển nước ngoài.
Do vậy, cần có sự chỉ đạo
thực hiện thống nhất về trách nhiệm của các tỉnh, thành phố ven biển trong việc
quản lý, kiểm soát tàu cá từ các tỉnh, thành phố đến hoạt động lưu trú, xuất bến
tại địa phương mình. Từ thực tiễn trên, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu,
bổ sung quy định về thủ tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá hoạt động
tại vùng lộng, vùng khơi; quy định trách nhiệm cụ thể của địa phương, nơi có tàu
cá đi và nơi địa phương có tàu cá ngoài tỉnh hoạt động neo đậu, xuất bến tại
Nghị định số 26 ngày 08/3/2019 của Chính phủ. Đồng thời, bổ sung các biện pháp,
chế tài để xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm được quy định tại Nghị định
số 42 ngày 15/4/2019 của Chính phủ.
Trên lĩnh vực xã hội, với chủ
trương đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa được nêu trong báo cáo của Chính phủ sẽ
góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu của người dân.
Thực tế, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân trên huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận
cho biết, hiện nay gặp rất nhiều khó khăn khi khám và điều trị tại Bệnh viện
Quân dân y Phú Quý do máy móc, thiết bị y tế còn thiếu thốn, trình độ của nhiều
bác sĩ tại bệnh viện chưa đáp ứng được yêu cầu. Đối với một số loại bệnh thì
bệnh nhân phải điều trị thường xuyên nhưng phải vào đất liền để điều trị, điều
này đã gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.
Vì vậy, cử tri mong muốn Bộ
trưởng Bộ Y tế sớm rà soát tổng thể việc đầu tư trang thiết bị và xây dựng đội
ngũ cán bộ cho các bệnh viện tại các huyện đảo trên cả nước nói chung và huyện
đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận nói riêng, để từ đó có các biện pháp xử lý những
tồn tại, khó khăn tại các địa bàn này. Đồng thời kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông quan tâm tới việc đầu tư công nghệ số trong y tế, trong
khám, chữa bệnh từ xa tại các địa bàn huyện đảo để nhân dân được tiếp cận với
những bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong khám và
điều trị đối với những loại bệnh khó, hiểm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng
khám và điều trị bệnh cho nhân dân.
Một vấn đề gây bức xúc được
xã hội quan tâm nhất hiện nay, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh là đạo đức xã hội
đang xuống cấp nghiêm trọng như tình hình bạo lực gia đình, bạo lực học đường và
nhiều vụ án thương tâm như con giết cha mẹ, vợ giết chồng, anh chị em giết nhau…
xảy ra thường xuyên, đáng báo động.
Vì vậy đề nghị Chính phủ cần
đề ra các giải pháp phù hợp phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông
trong việc truyền tải thông điệp tích cực về lối sống đẹp, những tấm lòng nhân
ái trong xã hội và hình thành dư luận xã hội ủng hộ các giá trị chân - thiện
- mỹ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, phát động sâu rộng những giá trị tốt đẹp của
phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” mà trước đây Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động.
Một vấn đề xã hội nữa đã và
đang gây nhiều khó khăn, thách thức cho phát triển kinh tế-xã hội là tình hình
dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Theo đại biểu Linh, mặc dù nước
ta đã cơ bản kiểm soát tốt 2 đợt dịch vừa rồi, tuy nhiên tác động xấu từ nền
kinh tế trong khu vực và trên thế giới đối với nền kinh tế trong nước là không
hề nhỏ, hệ lụy của nó để lại cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và người
dân vô cùng lớn.
Chính phủ đã ban hành các
gói hỗ trợ nhằm kích thích phát triển kinh tế nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn
đang tìm ẩn những diễn biến khó lường. Hiện nay các doanh nghiệp, hộ kinh doanh
và nhiều đối tượng khác vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như
trong việc khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính
phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để kịp thời giải ngân các gói hỗ trợ nhằm
tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tác động bởi đại dịch. Đồng
thời tiếp tục chỉ đạo rà soát, bổ sung một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại
dịch Covid-19 nhưng chưa được quy định trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng như: Thợ
hồ, xe ôm, bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ trong các trường mẫu giáo, tiểu học và
nhóm trẻ thuộc sơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Khắc Điều