Theo dõi trên

Bài dự thi Giải Cờ đỏ

25/09/2021, 10:50

Khi đảng viên là bộ đội xuất ngũ

BTO- Đảng viên là bộ đội xuất ngũ khi trở về địa phương luôn phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, là lực lượng chính trị nòng cốt, tin cậy ở địa phương, nhất là ở cơ sở. Tuy nhiên, còn không ít đảng viên vì nhiều lý do khác nhau xin ra khỏi Đảng hoặc vi phạm chế độ sinh hoạt Đảng dẫn tới bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên... Thực trạng trên đã và đang đặt ra bài toán hết sức nan giải trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đảng viên là bộ đội xuất ngũ đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Đảng viên bộ đội

​Số liệu thống kê từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 622 đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương chiếm khoảng 6,5% tổng số quân nhân xuất ngũ. Đại đa số đảng viên sau khi xuất ngũ luôn giữ vững bản chất của người đảng viên cộng sản và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương đồng thời góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh và là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân ở địa phương. Với thuận lợi được rèn luyện trong môi trường quân đội, xây dựng lên tác phong nhanh nhẹn, ý thức tổ chức kỷ luật tốt cùng tinh thần vượt khó, không ít đảng viên là quân nhân xuất ngũ sau khi về địa phương được bố trí, sắp xếp làm cán bộ ở cơ sở, từ năm 2016 đến nay có gần 80 đảng viên xuất ngũ được bố trí làm cán bộ trong hệ thống chính trị ở địa phương, chiếm gần 12% tổng số đảng viên xuất ngũ. Một số đồng chí sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy tốt năng lực, vai trò trách nhiệm từng bước phát triển thành cán bộ chủ chốt cấp xã và huyện.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Dương Văn An tặng hoa cho các tân binh trước  khi lên đường nhập ngũ

Được bồi dưỡng, rèn luyện và kết nạp Đảng trong quân ngũ tại Đại đội 3, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Phú Quý, sau khi xuất ngũ về địa phương đồng chí Huỳnh Văn Hiếu luôn giữ cho mình phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”. Trở về địa phương năm 2004 với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ cán bộ cơ sở cho đến hiện nay đang là Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hàm Tân, anh luôn đồng hành và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

​Khác với trường hợp của đồng chí Huỳnh Văn Hiếu, đảng viên Phan Thanh Nhã được tạo nguồn, kết nạp Đảng tại địa phương, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương năm 2008, Nhã được bố trí vào Ban CHQS xã, sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, anh được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy trưởng rồi Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết. Với sự năng động cùng tinh thần cầu tiến, anh đã vận dụng sáng tạo những kiến thức được học tập ở trường và kinh nghiệm trong quân ngũ vào thực tiễn công tác, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, phối hợp hiệu quả cùng với các lực lượng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, Ban CHQS xã Thiện Nghiệp nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang thành phố Phan Thiết. Với cá nhân Nhã, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở, được báo cáo điển hình tiên tiến tại các kỳ Đại hội thi đuaquyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh cũng như trong trong trào thi đua yêu nước của thành phố Phan Thiết.​

​Cùng với việc trở thành những cán bộ uy tín, trách nhiệm trong hệ thống chính trị ở cơ sở, không ít đảng viên sau khi xuất ngũ với sự năng động, nhạy bén đã trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những đảng viên sau khi xuất ngũ được bố trí sắp xếp làm việc trong hệ thống chính trị ở cơ sở hoặc thành công trong phát triển kinh tế, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương thì còn đó không ít đảng viên vì gánh nặng kinh tế, việc làm nên gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia sinh hoạt đảng cũng như phát huy vai trò của người đảng viên tại địa phương.

​Trở về địa phương sau 2 năm rèn luyện và được kết nạp Đảng tại Trung đoàn Bộ binh 812, Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận, đảng viên trẻ Phạm Ngọc Úy ở thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc xuất ngũ năm 2017 chia sẻ: Việc giữ vững và phát huy vai trò của người đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương thực sự là một thử thách, nhất là trong điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, việc làm thiếu ổn định. Bản thân cũng đã có lúc nghĩ đến việc xin ra khỏi Đảng bởi đặc thù công việc của nhân viên bảo trì điện lạnh ở một công ty hải sản đòi hỏi nhiều thời gian ảnh hưởng không nhỏ đến việc thường xuyên tham gia sinh hoạt đảng tại địa phương. Nhưng với thuận lợi làm việc ở gần địa phương nơi cư trú, chi bộ thường xuyên bố trí sắp xếp sinh hoạt vào các ngày nghỉ cộng với sự động viên của gia đình cùng trách nhiệm của người đảng viên vinh dự được kết nạp Đảng, rèn luyện trong quân ngũ, bản thân luôn xác định phải gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên.

Tuy nhiên, không phải đảng viên xuất ngũ nào cũng có được thuận lợi cùng sự quyết tâm như Phạm Ngọc Úy, thực tế đã có không ít đảng viên sau khi xuất ngũ vì nhiều lý do đã không còn giữ vững và phát huy được vai trò của người đảng viên. Đồng chí Phạm Tuân, Bí thư Đảng ủy phường Phú Trinh, thành phố Phan Thiết cho biết: Thực tế hầu hết đảng viên xuất ngũ đều có nguyện vọng được bố trí sắp xếp làm việc trong hệ thống chính trị của địa phương, tuy nhiên do số lượng biên chế ngày càng tinh gọn, bộ máy ở cơ sở cơ bản ổn định nên thường chỉ có 1 đến 2 đồng chí đủ điều kiện về trình độ được sắp xếp làm trong Ban CHQS xã, phường, thị trấn hoặc cán bộ đoàn, văn phòng, … phần lớn đảng viên xuất ngũ còn lại phải bươn trải làm nghề tự do hoặc đi làm ăn xatrong các công ty, xí nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên đi làm xa ở nơi không có tổ chức đảng, cấp ủy địa phương đã hướng dẫn và xem xét tạm miễn sinh hoạt đảng theo quy định của Trung ương, nhưng sau một thời gian vì nhiều lý do, một sốđảng viên xin ra khỏi đảng, thậm chí không thực hiện việc báo cáo định kỳ với chi bộ, vi phạm chế độ sinh hoạt đảng dẫn đến bị xóa tên.

​Trong tổng số hơn 600 đảng viên xuất ngũ trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay đã có hơn 121 đảng viên không còn sinh hoạt Đảng, chiếm hơn 19% tổng số đảng viên xuất ngũ, trong đó có 28 trường hợp đảng viên xin ra khỏi Đảng, số đảng viên vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng bị xóa tên là 93 trường hợp. Đây thực sự là bài toán hết sức nan giải đòi hỏicác cấp, các ngành cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cả hệ thống chính trị cần có những chủ trương, giải pháp thiết thực, đồng bộ, hiệu quả nhất trong việc quản lý, sử dụng đảng viên là quân nhân xuất ngũ về địa phương.

Giữ đảng viên trong Đảng

​Những khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng đảng viên là quân nhân xuất ngũ đặc biệt là tình trạng xin ra khỏi Đảng hoặc vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng dẫn tới bị xóa tên không chỉ là trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp mà còn là nỗi niềm của nhiều đảng viên là quân nhân xuất ngũ. 

​Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hiệu quả đảng viên xuất ngũ trên địa bàn tỉnh, từng bước khắc phục tình trạng bỏ sinh hoạt Đảng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò phối hợp của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp. Đề cập về vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương rà soát đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết năm 2020 của Đảng ủy Quân sự tỉnh, đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh chỉ đạo: Trước hết cần nhìn nhận thực tế một cách khách quan để tìm ra nguyên nhân của thực trạng công tác quản lý, sử dụng đảng viên xuất ngũ thời gian qua. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu nằm ở ba khâu cơ bản đó là công tác tạo nguồn; công tác quản lý, giáo dục đảng viên sau xuất ngũ và việc bố trí, sử dụng đảng viên xuất ngũ tại địa phương. Từ thực trạng trên đòi hỏi cần có những giải pháp kịp thời, đúng, trúng, sát với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương, trước mắt cần tập trung đột phá vào hai vấn đề lớn đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả chọn nguồn, đồng thời làm tốt công tác giải quyết việc làm tại chỗ cho đảng viên xuất ngũ.

Thực tế công tác chọn nguồn đã từng được đề cập đến như là một trong những giải pháp cơ bản trong các văn bản về công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng như của Bộ CHQS tỉnh, đồng thời là chủ đề kiến nghị của nhiều đại biểu tại các hội nghị sơ, tổng kết công tác quản lý, sử dụng đảng viên xuất ngũ thời gian qua. Để thực sự tạo sự đột phá trong khâu được gọi là “đầu vào” này đòi hỏi sự đổi mới cả trong tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là trong việc thực hiện chủ trương cử đảng viên nhập ngũ, một trong những chủ trương đóng vai trò hết sức quan trọng trong khâu chọn nguồn. Nhận định về chủ trương cử, tuyển đảng viên nhập ngũ, đồng chí Đại tá Ngô Minh Lực, Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh chia sẻ: Thực tế cho thấy đây là một chủ trương hết sức đúng đắn vừa nâng cao chất lượng chính trị thanh niên nhập ngũ đồng thời góp phần xây dựng nguồn cán bộ cơ sở ở địa phương, đặc biệt chủ trương này càng trở lên thiết thực hơn kể từ khi Quân khu 7 điều chỉnh nhất quán thực hiện cử, tuyển 01% đảng viên chính thức tham gia nhập ngũ. Tuy nhiên thời gian qua, không ít cấp ủy cơ sở, cơ quan quân sự địa phương vì chỉ tiêu đơn thuần mà chưa đánh giá đúng nội hàm của chủ trương này dẫn tới việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tạo nguồn đảng viên để cử nhập ngũ chất lượng, hiệu quả chưa cao nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí, sắp xếp đảng viên sau khi xuất ngũ. Để tạo bước chuyển biến thực chất hơn về vấn đề này, cấp ủy các cấp cần tập trung làm tốt công tác cử, tuyển những đảng viên ưu tú ở địa phương để nhập ngũ gắn với công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ ở địa phương, trong đó ưu tiên việc lựa chọn, động viên những đảng viên là cán bộ công chức, viên chức trong độ tuổi để tham gia nhập ngũ, xem đây là một bước để thử thách, rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần khắc phục khó khăn cho đội ngũ cán bộ cơ sở.  

Bên cạnh việc tạo nguồn đảng viên nhập ngũ từ đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở địa phương thì việc phát huy nguồn lực đảng viên trong sinh viên để cử, tuyển nhập ngũ cần được nghiên cứu triển khai đồng bộ. Trong đó vai trò phối hợp giữa cấp ủy các cấp với các trường cao đẳng, đại học có vai hết sức quan trọng nhất là trong công tác xây dựng nguồn ngay từ trên giảng đường, từ đó có cơ chế, chính sách cụ thể để đảng viên là các sinh viên đã tốt nghiệp tham gia nhập ngũ vừa tạo nguồn cán bộ phục vụ lâu dài cho quân đội đồng thời tạo nguồn cán bộ cơ sở ở địa phương.

Đào tạo nghề cho các quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự

​Song song với việc đột phá trong khâu tạo nguồn, công tác giải quyết việc làm tại chỗ cho đảng viên xuất ngũ đóng vai trò hết sức quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định đến việc “giữ” đảng viên. Thực tế cho thấy khi có việc làm, thu nhập ổn định tại địa phương đảng viên xuất ngũ sẽ có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng và thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên sau xuất ngũ tại nơi cư trú. Bàn về giải pháp này, đồng chí Huỳnh Văn Hiếu, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hàm Tân cho biết: Việc triển khai thực hiện triệt để các chủ trương, chính sách hỗ trợ việc làm tại chỗ cho đảng viên xuất ngũ, trọng tâm là phát huy hiệu quả công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề tại địa phương gắn với việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp được xem như là giải pháp căn cơ tháo gỡ nút thắt quan trọng này. Ở đó sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị quân đội với các trường dạy nghề và doanh nghiệp có vai trò quyết định vừa bảo đảm nguyện vọng nghề nghiệp của đảng viên xuất ngũ gắn với nhu cầu đào tạo, sử dụng của nhà trường, địa phương và doanh nghiệp. 

Làm rõ thêm về vấn đề này, đồng chí Đại tá Bùi Huy Cường, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết: Song song với việc nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác định hướng, đào tạo nghề cho đảng viên xuất ngũ cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm làm tốt công tác tiếp nhận, gặp gỡ khi đảng viên xuất ngũ về địa phương, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng và có chính sách ưu đãi phù hợp nhất là trong việc hỗ trợ vay vốn để đảng viên xuất ngũ khởi nghiệp trên quê hương.   

​Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đảng viên xuất ngũ cần nhiều chủ trương, giải pháp vừa mang tính đột phá đồng thời bảo đảm sự bền vững, kế thừa và phát triển. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để đảng viên xuất ngũ được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, thực sự là cầu nối giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đảng viên ở địa phương.​

Lưu Tuấn Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải Cờ đỏ