Theo dõi trên

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Nguyễn Văn Tố: Người có công lớn trong diệt “giặc dốt”, “giặc đói”

05/06/2019, 10:21

BT- Cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu Ứng Hòe), sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thân phụ là  cụ Nguyễn Văn Thịnh, một nhà nho yêu nước, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Kim, quê gốc ở Hà Đông. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Tố đã thể hiện tư chất thông minh và học giỏi. Năm mới lên 4 – tuổi đã tự học chữ nho tại nhà, Nguyễn Văn Tố đã đạt ở trình độ Tam tự kinh – bậc khởi đầu của nho học; rồi sau đó lần lượt đạt qua các bậc “Nhất trường”, “Nhị trường” và “Tam trường”.

Năm 16 tuổi, Nguyễn Văn Tố đỗ đầu cuộc thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 17 tuổi được chính thức vào làm việc tại Học viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) của Pháp tại Hà Nội và từng bước thăng tiến, giữ chức Chủ sự dưới quyền giám đốc EFEO cho đến ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Từ tháng 3/1907, Nguyễn Văn Tố tham gia giảng sách tại Hội Trí Tri bằng tiếng Pháp, tiếng Việt về các đề tài địa lý, lịch sử, văn học, y khoa, khoa học thủy nông. Vào những năm 1910, Nguyễn Văn Tố đã trở thành một học giả nổi tiếng, có nhiều sáng tạo kết hợp văn hóa phương Đông và phương Tây. Năm 1938 được cử là Hội trưởng Hội truyền bá học chữ Quốc ngữ Bắc Kỳ. Năm 1940, Nguyễn Văn Tố được triều đình nhà Nguyễn sắc phong là “Trung nghĩa đại phu Quang Lộc Tự Khanh” tương ứng với Tòng Tam phẩm và đến năm 1941, ông tham gia sáng lập Tạp chí Tri Tân. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội của Chính phủ lâm thời trong bối cảnh cấp thiết chống đói, chống dốt cho nhân dân. Ngày 6/1/1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cụ Nguyễn Văn Tố trúng cử đại biểu Quốc hội của tỉnh Nam Định. Tại kỳ họp thứ nhất, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu là Trưởng ban Thường trực của Quốc hội (tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội hiện nay). Từ tháng 11/1946, cụ Nguyễn Văn Tố được cử là Bộ trưởng không bộ. Ngày 19/12/1946, cụ Nguyễn Văn Tố và Chính phủ cách mạng rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến. Ngày 25/10/1947, trong đợt tiến công lên Việt Bắc của thực dân Pháp, cụ bị chúng bắt tại Bắc Kạn khi chưa kịp di tản về nơi an toàn. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng cụ vẫn thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất trước kẻ thù và anh dũng hy sinh.

Trên cương vị là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Cứu tế xã hội, tuy thời gian không dài, nhưng vào thời điểm khó khăn nhất của lịch sử dân tộc, khi chính quyền cách mạng trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp to lớn vào việc giải quyết nạn đói, nạn dốt, hai trong ba loại giặc nguy cấp của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Ngày 2/11/1945, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố quyết định thành lập Hội cứu đói. Hội này được tổ chức xuống tận các làng ở một số tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ, sau đó lan rộng ra khắp cả nước. Hoạt động của Hội nhằm tìm nguồn lương thực, tiền và vải do các nhà hảo tâm giúp đỡ, phát triển sản xuất, khuyến khích công việc đồng áng, trông nom đê điều, giúp người dân khai hoang đất để gia tăng sản xuất. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố trực tiếp đi đến các địa phương chỉ đạo thành lập hội cứu đói và hưởng ứng lời kêu gọi tương thân tương ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện “hũ gạo cứu đói”, “những ngày đồng tâm nhịn ăn”. Chỉ trong khoảng 2 tháng (9 -11/1945) Bộ Cứu tế xã hội đã quyên góp ở 3 miền với số tiền 160 triệu đồng và tải gạo từ Nam ra Bắc giao cho Hội cứu đói, đã đóng góp to lớn vào việc giải quyết nạn đói có nguy cơ tái diễn. Không chỉ đóng góp to lớn giải quyết nạn đói, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố cùng với các thành viên Chính phủ còn từng bước thực hiện nhiệm vụ diệt “giặc dốt”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố chủ trương kết hợp chặt chẽ với cơ quan học vụ củanhà nước với các đoàn thể cứu quốc để nâng cao dân trí cho hàng triệu đồng bào, như phối hợp với Nha bình dân học vụ đã tổ chức được 3 lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ bình dân học vụ  cho cấp tỉnh mang tên “khóa học “Hồ Chí Minh”, “Phan Thanh” và “Đoàn kết”. Nhờ vậy mà tỷ lệ người không biết chữ giảm xuống, dân trí được nâng lên, phong trào bình dân học vụ sôi động và lan nhanh ra cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố còn đi đầu trong cuộc vận động xây dựng “đời sống mới”, giáo dục người dân tinh thần yêu nước, yêu lao động, xây dựng đạo đức cách mạng “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Ghi nhận và tri ân sâu sắc công lao của cụ Nguyễn Văn Tố với đất nước, Đảng, Nhà nước đã tổ chức trọng thể truy tặng cụ Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất và cùng nhiều phần thưởng cao quý.

Như  NguyỄn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Nguyễn Văn Tố: Người có công lớn trong diệt “giặc dốt”, “giặc đói”