Theo dõi trên

Mặt trận mới

10/10/2019, 09:42

Bài 2: Xóa “bóng tối”

BT- Phải nhìn nhận rằng công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua dù có đẩy mạnh nhưng chưa “chạm” đến một số tầng lớp nhân dân, vì có một bộ phận người dân không đọc báo, xem truyền hình, nghe đài.

                
   Trang Fanpage Tuyên giáo Bình Thuận.

Khoảng trống

Trong một bài phân tích về những người tham gia nêu quan điểm, ý kiến phân tích, bình luận, đánh giá tình hình đất nước trên mạng xã hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chia ra 3 nhóm đối tượng. Theo bài viết, nhóm 1 là nhóm có ý thức tốt, có trình độ nhận thức cao, hiểu rõ, đầy đủ, đúng đắn các vấn đề thực tiễn đất nước đang diễn ra, đã chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Còn nhóm 2 là nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, “bôi đen”, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; cố tình nói xấu, vu khống, “thổi phồng”, “bơm căng” làm sai lệch những giá trị thực, tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đang nỗ lực xây dựng. Riêng nhóm 3 là nhóm vô tình bị lôi kéo, hùa theo những ý kiến phản động của nhóm 2 mà chính bản thân họ cũng chưa thể nhận ra, vì trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu thông tin chính thống, có tâm lý a dua, tâm lý hiếu kỳ, đám đông... Bài viết cũng chỉ ra, điều đáng quan ngại là nhóm 2 lại dễ dàng lôi kéo để có được sự “hậu thuẫn” của nhóm 3 - nhóm chiếm tỷ lệ rất đông. Trong khi đó, những người thuộc nhóm 1 chiếm tỷ lệ không nhiều nên trên mạng xã hội, họ gặp nhiều khó khăn, vì thường phải hứng chịu “gạch, đá” của những cư dân mạng thiếu hiểu biết và những kẻ phản động, đội lốt dân chủ.

Với Bình Thuận, cuộc chiến ấy không chỉ diễn ra trên mạng mà còn diễn ra ngoài cuộc sống từ cuộc gây rối ngày 10 - 11/6/2018. Điều đáng nói, chính những thông tin nhào nặn, cắt ghép, xuyên tạc về một số nội dung của Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) của các thế lực xấu, thù địch đã tác động không nhỏ đến tâm lý bài Trung của một bộ phận người dân. Trước đó, lấy lý do phản đối Trung Quốc, phản đối Luật “Đặc khu”, các đối tượng xấu đã dùng mạng xã hội kêu gọi, kích động biểu tình trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... nhưng không thành công. Tuy nhiên, những thông tin xuyên tạc, kích động nhanh chóng được các đối tượng đăng tải, chia sẻ. Thông qua ứng dụng gửi tin nhắn trên phần mềm facebook, chúng lan truyền tin nhắn từ những tài khoản ẩn danh một cách suôn sẻ. Thông qua các trang mạng xã hội, chúng đăng tải những video clip, hình ảnh tạo dựng xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước vốn tiềm ẩn trong mỗi người dân một cách thuận lợi. Và cuối cùng, công tác “truyền thông” một cách có chủ đích đó đã được triển khai trên thực tế, kèm theo việc chuyển tiền cho bất cứ ai tham gia vào cuộc gây rối ngày 10 - 11/6/2018 tại tỉnh.

Trong khi các đối tượng thù địch đã chọn mạng xã hội là mặt trận quyết định thì chúng ta lại chưa theo kịp với sự phát triển này. Dù chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật củanhà nước đã được tổ chức tuyên truyền rộng rãi và thường xuyên trên các phương tiện truyền thông như báo, đài, truyền hình nhưng những đối tượng xếp nhóm 3 ấy lại chỉ luôn luôn tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, vì có thể do sự tiện dụng từ phương tiện truyền tải là chiếc điện thoại thông minh lúc nào cũng kề bên. Bằng chứng,  hơn 200 đối tượng đã bị bắt giữ sau cuộc gây rối đều khai rằng do bị các đối tượng xấu dùng tiền mua chuộc hoặc bị kích động bởi những thông tin thiếu chuẩn xác trên mạng xã hội. Chưa bàn chuyện các đối tượng chống phá quá tinh vi, manh động, ở khía cạnh khác phải nhìn nhận rằng công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua dù có đẩy mạnh nhưng chưa “chạm” đến một số tầng lớp nhân dân, vì có một bộ phận không đọc báo, xem truyền hình, nghe đài. Vì nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thông tin chính thống… nên họ sẵn sàng tham gia cổ xúy, tuyên truyền, quảng bá cho cái xấu, cái sai, bất chấp hậu quả mang lại.

Sau khi phát hiện “khoảng trống” trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh nghiên cứu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương chính sách, cung cấp, định hướng thông tin, đồng thời đấu tranh, phản bác với những quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Song song đó, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng, nhắc nhở về vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội, nhất là tránh chuyện không bày tỏ chính kiến trước cái sai, xấu. Một cuộc chỉnh đốn về lực lượng tham gia đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa ngay trên mạng xã hội. Đây là mặt trận mới nên xác định nhiều cam go, nhất là mặt trận ấy mang tên chống “diễn biến hòa bình”.  

Dàn quân trên mạng

Chỉ sau hơn 1 năm triển khai, đến thời điểm này, có thể nói nhóm 1, nhóm những người chủ động hay ủng hộ phản bác lại cái sai, xấu, chống lại các luận điệu của các đối tượng thù địch, song song với việc đăng tải, chia sẻ về ca ngợi quê hương đất nước đã tăng số lượng dần lên. Các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng các trang, nhóm trên mạng xã hội để tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều đáng chú ý, theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thì bên cạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật củanhà nước, kết quả công tác lãnh đạo, điều hành của địa phương, hệ thống tuyên giáo của tỉnh còn thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình dư luận xã hội, những vấn đề được cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ. Từ đó cập nhật, cung cấp, chia sẻ các nội dung cần tuyên truyền, hỗ trợ thông tin; phản ảnh đến cấp thẩm quyền phối hợp giải quyết cũng như tham gia phản bác nhiều trang có clip, hình ảnh, tin bài xuyên tạc, sai trái, bịa đặt nói xấu Đảng, Nhà nước ta. Điển hình nhất, là các tài khoản mạng xã hội của các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã kịp thời định hướng dư luận, bác bỏ thông tin “Bãi đá 7 màu độc nhất Việt Nam ở Bình Thuận bị xóa sổ” hay kịp thời dập tắt tin đồn vụ đào cổ vật ở núi Tàu, các vụ việc liên quan đến băng nhóm cho vay nặng lãi, các dự án ma của công ty Alibaba, vụ việc giải tỏa khu nghĩa trang phía Nam Phan Thiết...

Một facebooker ẩn danh thuộc nhóm 1, có lối đấu tranh trực diện “vỗ mặt” khiến nhiều tài khoản chuyên đưa thông tin xấu, độc rồi nâng quan điểm về tiêu cực vừa ghét, vừa sợ anh. Facebooker này nói vui rằng: “Trước đây, trên mặt trận mạng, bên ta ít quá, đánh chúng nó đông, mệt cả não và tay (đánh bàn phím). Còn bây giờ, quân ta đông rồi, mừng quá!”

Thực tế, có nhiều đảng viên, cán bộ, công chức đã sử dụng mạng xã hội bắt đầu có ý thức trách nhiệm hơn trong chia sẻ, bình luận, biểu lộ cảm xúc. Có nhiều đảng viên vốn lâu nay lảng tránh mạng xã hội thì bây giờ bắt đầu tham gia với tâm thế có chủ đích và chia sẻ nhiều thông tin hay, tích cực. Ít nhiều đã hướng theo như chia sẻ của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng: “Nếu mỗi 1 cán bộ, đảng viên dùng smartphone, facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau 1 bài báo hay, 1 clip tốt, viết 1 bình luận tích cực, tìm kiếm một thông tin tốt đẹp, gửi đi thông điệp hay thì đã góp phần làm cho công tác tư tưởng tốt hơn. Chúng ta cứ ngồi than thở là thông tin trên mạng xấu, độc, cái đó đúng, nhưng cũng phản ánh thực trạng là toàn đi tìm thông tin xấu, độc để đọc. Bởi facebook, YouTube có thuật toán cung cấp thông tin theo gợi ý thói quen tìm kiếm thông tin của người sử dụng”.

Tất cả từ chỉ đạo cho đến chia sẻ đã định hướng tuyên truyền, hoạt động trên mạng xã hội của cán bộ, công chức, đảng viên tại tỉnh, góp phần đẩy lùi “bóng tối” của nhận thức, thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân vốn dễ bị kích động, làm theo mưu đồ của kẻ xấu. Hơn nữa, lấp khoảng trống ấy trên mạng xã hội cũng đồng nghĩa, Bình Thuận đã tuyên truyền chủ trương, chính sách với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ tiếp cận đến tất cả các đối tượng trong xã hội tốt hơn trước. Song song đó cấp ủy, chính quyền quan tâm và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong nhân dân nên đã hạn chế đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp, góp phần tạo sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng Dân. Cũng từ đó, có môi trường ổn định trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mặt trận mới