Theo dõi trên

Một số nội dung về Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng

15/06/2018, 16:30 - Lượt đọc: 522

I. DỰ ÁN LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH – KINH TẾ ĐẶC BIỆT

1. Mục đích, ý nghĩa của Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

BTO- Tự do hóa thương mại, làn sóng toàn cầu hóa đã làm thay đổi linh hoạt về cách thức thu hút đầu tư của các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, môi trường đầu tư của Việt Nam đang mất dần tính hấp dẫn. Mặt khác, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp. Việc khai thác các tiềm năng, lợi thế về nguồn lực tự nhiên, khoáng sản và nhân lực của đất nước đã dần tới hạn.

Để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần một mô hình kinh tế thực sự hiệu quả. Vì lý do đó mà Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội đưa ra bàn thảo để cho ý kiến về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, do Quốc hội quyết định thành lập, có cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, có tổ chức chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ba đề án đặc khu hành chính kinh tế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn để trình lên Quốc hội đó là: Vân Đồn (thuộc tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (thuộc tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (thuộc tỉnh Kiên Giang).

Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo lực tăng trưởng và thể chế phát triển vùng có tính đột phá để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong toàn quốc. 

Tuy nhiên, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là dự án Luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên đã được các đại biểu Quốc hội bàn thảo sâu kỹ, công khai, dân chủ, qua đó, "chúng ta thấy việc Quốc hội, đại biểu bàn luận ở hội trường đã lan tỏa ra ngoài xã hội" - như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định trong kỳ họp Quốc hội.

2. Thời gian xem xét thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Trong quá trình bàn thảo để xem xét thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất, không chỉ ở trong nghị trường Quốc hội mà cả trên hệ thống truyền thông, báo chí.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép lùi việc thông qua Dự án Luật này để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân để bổ sung, điều chỉnh, đảm bảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệtkhi được ban hành sẽ nhận được sự đồng thuận, không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà là sự đồng thuận của đa số nhân dân.

Sáng ngày 11/6/2018, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua đề nghị điều chỉnh thời gian thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2018.

II. LUẬT AN NINH MẠNG

1. Không gian mạng - lợi ích và thách thức

Sự phát triển của mạng xã hội đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, xã hội… nhưng cũng mang lại những thách thức to lớn đối với các quốc gia, dân tộc trên thế giới.Bởi nó cũng tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động khủng bố, phá hoại, chuyển hóa chính trị của các tổ chức, cá nhân có mưu đồ chính trị thù địch hoặc hoạt động phạm tội của bọn tội phạm cả bên trong từng quốc gia và quốc tế… Thực trạng này đã được thế giới cảnh báo sẽ gây nên “thảm họa” nếu mạng xã hội không được kiểm soát chặt chẽ.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, hệ thống thông tin mạng ngày càng được mở rộng và trở nên phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường về bảo đảm an ninh mạng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Ngay các nước như: Mỹ, Đức, Nhật Bản… hệ thống bảo vệ an ninh mạng được đầu tư phát triển mạnh nhưng hệ thống dữ liệu quốc phòng, kinh tế cũng từng nhiều lần bị “tin tặc” xâm nhập phá hoại, ăn cắp dữ liệu.

Ở Việt Nam, hàng năm hệ thống mạng thông tin của ta phải chịu hàng ngàn cuộc tấn công mạng, gây thiệt hại nhiều về lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng... Mặc dù chúng ta đã có một số luật được ban hành về vấn đề không gian mạng như: Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin, Luật Công nghệ thông tin… nhưng hệ thống thông tin mạng của nước ta vẫn còn nhiều lỗ hổng, là kẽ hở để “tin tặc” tung hoành.

2. Sự cần thiết phải có Luật An ninh mạng ?

Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm: mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Không gian mạng quốc gia là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát.

An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.

Tình huống nguy hiểm về an ninh mạng là sự việc xảy ra trên không gian mạng khi có hành vi xâm phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia, gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc gây thiệt hại về tính mạng con người.

Để bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo được môi trường mạng lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng… của quốc gia, dân tộc và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì rất cần phải có những quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ an ninh mạng.

Do đó, ban hành Luật An ninh mạng là yêu cầu, nhiệm vụcấp thiết, làm cơ sở pháp lý để “Nhà nước áp dụng các biện pháp để bảo vệ không gian mạng quốc gia; phòng ngừa, xử lý các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng” (Điều 6 dự thảo Luật An ninh mạng) và các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để đấu tranh với những thách thức, rủi ro gia tăng về an ninh, an toàn trên không gian mạng tại Việt Nam.

3. Những lo ngại của dư luận là không có cơ sở

Lo ngại chính của dư luận là khi Luật An ninh mạng được ban hành, mọi tài khoản cá nhân của người sử dụng sẽ bị cơ quan chức năng giám sát, kiểm soát làm hạn chế quyền lợi khai thác, sử dụng dịch vụ mạng của các tổ chức, cá nhân...

Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, tài khoản cá nhân và quyền lợi khai thác, sử dụng dịch vụ mạng của các tổ chức, cá nhân sẽ được bảo vệ tốt hơn khi Luật An ninh mạng được ban hành…

Những nghi ngại trên là không có cơ sở. Có thể khẳng định qua các cơ sở pháp lý sau đây:

- Dự thảo Luật An ninh mạng được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV gồm 7 Chương 43 Điều.

Luật này chủ yếu quy định các tiêu chuẩn pháp lý bảo vệ an ninh mạng; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước; phòng, chống khủng bố mạng; chiến tranh mạng; các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý khi xảy ra tình huống không bảo đảm an toàn an ninh mạng, xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia hoặc các hành vi xâm phạm lợi ích tổ chức, cá nhân công dân trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 12/6 với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt tán thành (tỷ lệ 86,86%); 15 đại biểu không tán thành; 28 đại biểu không biểu quyết.

Luật này gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

- Chính sách của Nhà nước về an ninh mạng (Điều 3 dự thảo Luật An ninh mạng), bao gồm:

+ Ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại.

+ Xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

+ Ưu tiên nguồn lực xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng và tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng.

+ Khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng, xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng; phối hợp với cơ quan chức năng trong bảo vệ an ninh mạng.

+ Tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng.

- Trong Luật An ninh Mạng chỉ nghiêm cấm các hành vi (Điều 8 dự thảo Luật An ninh mạng):

+ Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

+ Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

+ Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng;

+ Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

+ Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

+ Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

+ Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

+ Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm các hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (Điều 18 dự thảo Luật An ninh mạng):

- Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 và hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này;

- Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng;

- Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép;

- Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật;

- Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

- Hành vi khác sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Với phạm vi điều chỉnh của luật, các tổ chức, cá nhân được hoạt động trên một môi trường không gian mạng quốc gia sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các nguy cơ xâm hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, như: bị đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bị vu khống, làm nhục, công kích, bôi nhọ; hạn chế mã độc, các hành vi đánh bạc, cá độ, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, kích động bạo lực, mại dâm…; môi trường, quyền lợi hợp pháp về đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài sẽ được bảo đảm bình đẳng về sự quản lý, bảo vệ và việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ theo đúng pháp luật Việt Nam.

- Doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam

Nội dung này được quy định tại Điều 26 của Luật. Theo đó, doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Doanh nghiệp trong và ngoài nước có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Doanh nghiệp nước ngoài liên quan đến lĩnh vực nêu trên được yêu cầu đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam

Ngoài ra, việc ban hành Luật An ninh mạng không chỉ xây dựng cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia mà còn thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế đã ký kết hoặc tham gia trong quá hội nhập quốc tế.

 BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một số nội dung về Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng