Theo dõi trên

Nặng lòng với "Dân" với "Đảng" trước lúc đi xa

17/05/2019, 08:22

BT- Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc vào một sáng tháng 5 năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác): Đó là một buổi sáng thứ hai đẹp trời ngày 10/5/1965, trong vườn Bác rộn ràng tiếng chim hót và hoa nắng rải vàng mặt đất, đúng 9 giờ sáng Bác Hồ ngồi vào bàn đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc.

Được Người nghiền ngẫm, chỉnh sửa, bổ sung trong suốt 4 năm (1965 - 1969), chắt lọc tình cảm và suy nghĩ của cả cuộc đời, Di chúc là những điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền và chăm lo đời sống nhân dân, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn.

Trước hết nói về Đảng, điều đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm là căn dặn Đảng ta phải chăm lo củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng để đủ sức cầm lái, dẫn đường cho quần chúng nhân dân.

Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra hết sức cam go quyết liệt, nhất là trên chiến trường miền Nam, song Người có niềm tin mãnh liệt kháng chiến sẽ “nhất định thắng lợi hoàn toàn”. Và với tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ lúc ấy Người đã tiên liệu sau khi đất nước thống nhất sẽ xuất hiện những nguy cơ mới đối với một Đảng cầm quyền. Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Nặng lòng với dân, trong Di chúc Bác viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành vời Đảng.

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Năm 1945 ngay sau khi nước ta vừa giành được độc lập, Bác đã căn dặn cán bộ đảng viên: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Và cho đến giây phút cuối cùng Người vẫn lo cho dân, không để làm phiền dân: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Nói về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ tiếc rằng không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Ngót nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lại, sửa lại lần cuối cùng bản Di chúc vào ngày 19/5/1969, nhưng những lời Bác căn dặn trước lúc đi xa “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch”; “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, vẫn còn in đậm trong trái tim và khối óc của bao cán bộ đảng viên và người dân Việt Nam.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nặng lòng với "Dân" với "Đảng" trước lúc đi xa