Theo dõi trên

Ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

24/01/2017, 08:43 - Lượt đọc: 79

 BT- Rất hiếm nghị quyết nào mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo và triển khai kế hoạch thực hiện chu đáo, xuyên suốt như 2 nghị quyết trung ương 4 của khóa XI và khóa XII.

                
Ảnh: Đình Hòa

 Nguy hiểm khôn lường

Đảng ta nhận định: Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị. Quá trình tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Như vậy có thể nói, Đảng ta đã chỉ rõ vấn nạn nhức nhối này tồn tại bấy lâu nay, dù trên thực tế đã có nhiều chuyển biến so với trước nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Vấn đề cốt yếu là chẩn đoán đúng “bệnh” rồi cần “liều thuốc” đủ mạnh để chữa trị và có biện pháp hữu hiệu để chế tài. Vì sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

 Không khó nhận diện

Người Á Đông thường thiên về tình cảm hơn là lý trí, chính vì vậy trong quan hệ công việc hiện nay, biểu hiện rõ nhất mà các phần tử cơ hội thường vin vào đó là tranh thủ “chạy”. Nói về vấn đề này, Nghị quyết của Đảng đã từng chỉ rõ: Bây giờ việc gì người ta cũng “chạy”, đằng sau của việc “chạy” là gì và ai “chạy”, “chạy” ai có lẽ không còn là chuyện bí mật nữa. Đan xen trong các mối quan hệ giữa công và tư hiện nay đã xuất hiện và hình thành lợi ích nhóm. Tất nhiên người có thẩm quyền quyết định một vấn đề hoặc chính sách lớn nào đó nếu vô tư, trong sáng thì Nhà nước không bị thiệt hại và người dân sẽ hưởng lợi. Ngược lại khi anh đã có tư tưởng vun vén cá nhân thì các quyết định, chủ trương, chính sách ấy sẽ bị  lợi dụng, chi phối để đổi lấy lợi ích kinh tế cho bản thân và nhóm thân hữu. Nói về công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ thời gian gần đây, có đại biểu Quốc hội đã chua xót thốt lên: Nhiều cán bộ được đưa lên “bệ phóng”, “bệ đỡ”, “rèm che” sớm quá dù thời gian cống hiến chưa nhiều, năng lực cũng chưa hẳn vượt trội so với người khác. Có người đỡ đầu, bảo vệ, che chở kín như bưng ấy thì kiểu gì cũng sẽ trở thành cán bộ lãnh đạo trong tương lai. Đây là việc cực kỳ nguy hiểm có thể gây phương hại đến sự tồn vong của chế độ, cần được chấn chỉnh kịp thời. “Tư duy nhiệm kỳ” của cán bộ ta vẫn chưa thoát được trong suy nghĩ và hành động, bởi vậy mới có chuyện ở nhiều cơ quan, trước khi nghỉ hưu, “sếp” ký quyết định bổ nhiệm hàng loạt cán bộ. Đánh giá, bổ nhiệm cán bộ thì chưa công tâm, khách quan còn theo kiểu “tiền tệ”, “hậu duệ”, “quan hệ” thì làm sao tìm được người tài, người có năng lực để phục vụ dân.

 Ngăn chặn ra sao?

Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ phải kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Đại hội XII của Đảng ta đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, trong đó nhấn mạnh phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các cấp ủy, tổ chức Đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Khắc phục ngay tình trạng ăn uống, chè chén, “liên hoan”, “gặp mặt” không lành mạnh, với động cơ không trong sáng; khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ, như: phân công, phân cấp, thẩm quyền quản lý, quy trình bổ nhiệm nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng.

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ