Theo dõi trên

Những vấn đề cần quan tâm trong dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

23/11/2017, 16:10

BTO- Ngày 22/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ta đã tham gia góp ý một số vấn đề cần quan tâm trong dự thảo Luật.

Qua tổng kết của Bộ Công an về 15 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước cho thấy tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước trong những năm qua còn diễn biến nghiêm trọng, gia tăng cả về số vụ, số người, tính chất và mức độ vi phạm. Hình thức lộ, lọt bí mật nhà nước thể hiện thông qua các phương tiện thông tin liên lạc, qua báo chí xuất bản, hợp tác quốc tế .v.v... Do đó, để qui định các hành vi nghiêm cấm được bao trùm, khắc phục được các vấn đề liên quan đến lộ lọt bí mật của Nhà nước như đã nêu trên, ngoài các điểm đã nêu trong dự thảo, bà Phúc đề nghị bổ sung một khoản về hành vi bị nghiêm cấm là: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người khác để thực hiện hành vi vi phạm qui định về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Về phạm vi bí mật Nhà nước, dự thảo luật có nêu 4 khoản. Tuy nhiên, theo bà Phúc, phạm vi bí mật nhà nước không thể hiện đúng tiêu đề của điều này. Bà Phúc cho rằng, nội hàm “Bí mật Nhà nước” đã được thể hiện rõ ở Điều 2 của dự thảo luật " là thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công khai; nếu bị lộ, mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc". Còn phạm vi là khoảng được giới hạn của một hoạt động, một vấn đề hay một nội dung nào đó. Như vậy phạm vi bí mật nhà nước phải được hiểu là khoảng giới hạn mức độ bí mật nhà nước được qui định.         Vì vậy, vấn đề phạm vi bí mật của Nhà nước cần phải được tiếp tục nghiên cứu và thể hiện theo hướng khoảng giới hạn mức độ bí mật nhà nước.

Về danh mục bí mật Nhà nước nếu thể hiện không rõ sẽ ảnh hưởng đến việc soạn thảo, phát hành văn bản và đặc biệt là ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước. Cũng theo đánh giá của Bộ Công an, việc thực hiện các qui định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì có hơn 80% tài liệu có nội dung bí mật nhà nước được xác định đúng độ mật, như vậy còn 20% tài liệu xác định không theo danh mục bí mật nhà nước. Do vậy, để các danh mục bí mật Nhà nước được thể hiện cụ thể, xác định đúng độ mật, bảo đảm tính tập trung, thống nhất trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, các khoản đã nêu trong dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu để thể hiện rõ hơn các danh mục bí mật Nhà nước.

 Đối với vấn đề sao, chụp bí mật nhà nước, dự thảo Luật thể hiện chưa thực sự rõ, cần phải được rà soát kỹ hơn, phân cấp rõ hơn. Trong đó,  thẩm quyền sao chụp bí mật nhà nước đến độ tuyệt mật được quy định là: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở địa phương nhưng không quy định rõ là ở phạm vi nào, cấp nào. Hoặc quy định: Thủ trưởng, phó thủ trưởng các sở, ban, ngành. Như vậy: Đối với Mặt trận, các đoàn thể cấp tỉnh và các cơ quan tương đương cấp sở, ngành cấp tỉnh thì sao? Bà Phúc đề nghị cần phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ đối tượng ở địa phương có thẩm quyền sao chụp bí mật nhà nước.

Ngoài ra, đối với các quy định  có liên quan về sao, chụp bí mật nhà nước; về cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài; bà Phúc đề nghị bổ sung thêm 1 khoản với nội dung: Người thực hiện quyết định sao, chụp, cung cấp chuyển giao bí mật nhà nước nếu biết quyết định đó không đúng thẩm quyền, trái quy định của pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước thì có quyền báo cáo với người ra quyết định hoặc cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định, trường hợp vẫn phải thực hiện thì không phải chịu trách nhiệm về việc sao, chụp, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước mà mình đã thực hiện.

Về giải mật, một trong những tồn tại trong giải mật bí mật nhà nước mà Bộ Công an nêu là Không thực hiện việc giải mật tài liệu khi không còn giá trị bảo mật. Do đó, ngoài những vấn đề đã nêu trong dự thảo luật có liên quan đến công tác giải mật bí mật nhà nước, dự thảo luật cần xem xét, bổ sung trường hợp bí mật Nhà nước được giải mật khi bí mật nhà nước đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền công bố công khai.

Khắc Điều



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những vấn đề cần quan tâm trong dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước