Theo dõi trên

Phải khắc phục tình trạng “dĩ hòa vi quý”

07/06/2021, 08:53

BT- Có nhiều kết quả mới nổi bật thu về sau 5 năm toàn Đảng bộ Bình Thuận thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) từ cuộc họp sơ kết do Tỉnh ủy tổ chức ngày 3/6 vừa rồi. Điển hình như đã phát huy vai trò “nêu gương” của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Rồi đã tăng cường đối thoại với cán bộ, nhân dân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, từ đó xác định những vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở. Hay tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt… Và bên cạnh, theo báo cáo tại cuộc họp, cũng trong thời gian trên, toàn Đảng bộ đã bộc lộ 7 điểm hạn chế, tồn tại như công tác quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động chưa được duy trì và chất lượng không cao; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng chưa cao… Nhưng...

Cả 3 từ: “Nể nang”, “né tránh” và “ngại va chạm” đều là những biểu hiện của thái độ “dĩ hòa vi quý”. Vì theo Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb Văn hóa - Thông tin) giải thích “dĩ hòa vi quý là xuề xòa, né tránh sự va chạm, phê bình nhau cốt để cho yên chuyện, cho không khí hòa thuận vui vẻ”. Còn Từ điển tiếng Việt (Nxb Đà Nẵng năm 2000) cũng giải thích: “Dĩ hòa vi quý là thái độ coi sự hòa thuận, êm thấm là quý hơn cả; có thể từ đó sinh ra xuê xoa, không phân biệt phải trái”. Nếu vậy, vì sao chúng lại có mặt trong thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, nhất là Bác Hồ từng chỉ rõ: “Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm”.

 Theo phân tích của một nhà chính trị học, thái độ “dĩ hòa vi quý” trong tự phê bình và phê bình được xem như một biểu hiện của cách ứng xử “khôn ngoan”, lấy sự hòa thuận trong nội bộ theo quan niệm “chín bỏ làm mười”, “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Nhưng cũng từ đây dẫn đến thủ tiêu tính chiến đấu của tự phê bình và phê bình.

Và có vẻ, sự xuề xòa, tránh né, ngại va chạm đã được đánh tráo bằng sự hòa thuận trong nội bộ nên thái độ trên vẫn còn tồn tại như báo cáo đã nêu. Lý do xuất phát từ chỗ người phê bình vì ngại va chạm, sợ bị trù dập, trả đũa nên phê bình theo kiểu vô thưởng vô phạt để không làm mất lòng ai, vừa “êm tai” những người lãnh đạo, vừa “an toàn” cho bản thân. Thêm nữa, người phê bình bị thiếu thông tin nên chỉ có thể góp ý qua loa, đại khái. Theo đó, nếu số đông trong chi bộ ấy đều có thái độ trên thì các cuộc họp đều diễn ra “êm ả”, khen nhau qua lại, theo kiểu anh không đụng tôi, tôi không đụng anh, dễ người, dễ ta. Từ đó, số ít ban đầu có hăng say thực hiện quyền phê bình đúng bằng từng việc cụ thể, bằng chứng cụ thể… thì cũng lạc lỏng nên lâu dần thôi không nói, vì không muốn mình thành đối tượng “nổi bật”. Và theo thời gian, sức chiến đấu của mỗi cán bộ, đảng viên yếu dần khiến sức chiến đấu của cả tổ chức Đảng vì thế cũng yếu theo. Đồng thời đó, bao nhiêu nhiệm vụ phải thực hiện đều không đem lại kết quả tốt nhất có thể, vì đã bị bỏ qua nhiều thời điểm vàng của tự phê bình, phê bình để sửa chữa.

Để tạo được thái độ phê bình không nể nang, né tránh trong đảng viên, các nhà chính trị học cho rằng cần tạo ra bầu không khí dân chủ thực sự và xác định phê bình việc chứ không phải phê bình người. Vì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: Có dân chủ thật sự thì đảng viên trong chi bộ mới “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”. Qua đó, vừa khắc phục thái độ cực đoan, lợi dụng phê bình để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau và cũng vừa khắc phục thái độ trung dung “dĩ hòa vi quý”, xuê xoa, ca ngợi, phỉnh nịnh lẫn nhau.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phải khắc phục tình trạng “dĩ hòa vi quý”