Theo dõi trên

Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Cần làm tốt công tác dân vận

21/01/2021, 10:01 - Lượt đọc: 78

BT- Thực hiện Chỉ thị 49, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, (Chỉ thị 49) về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã góp phần thay đổi rõ nét diện mạo vùng ĐBDTTS. Đặc biệt là an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng ĐBDTTS được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường.

                
      Buôn làng La Dạ. Ảnh: Ngọc Lân

Đổi mới để phát triển

Để triển khai thực hiện đạt hiệu quả của Chỉ thị 49, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện Chỉ thị 49. Theo đó, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đã nâng cao nhận thức chính trị và trách nhiệm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận, đồng thời tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, rà soát, ban hành và thực hiện tốt chính sách dân tộc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực, phát huy vai trò của người có uy tín và cốt cán chính trị, già làng, chức sắc trong vùng ĐBDTTS. Cấp ủy các cấp còn quan tâm đến công tác củng cố hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ dân vận ở vùng ĐBDTTS, cán bộ người dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng có trình độ chính trị, chuyên môn cơ bản đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo số lượng, tỷ lệ phù hợp theo quy định của Chính phủ.

 Phải khẳng định rằng, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 49, công tác dân vận trong vùng ĐBDTTS đã đạt được nhiều kết quả. Cấp ủy Đảng các cấp đã quan tâm, đổi mới phương thức chỉ đạo công tác dân vận, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện, hiệu quả của các chương trình, dự án ngày càng được đầu tư nhiều hơn. Thực tế đã cho thấy, sự đổi thay của vùng ĐBDTTS những năm gần đây đã đổi thay rõ rệt, đời sống về vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên. Điều đó được thể hiện trong 5 năm gần đây (2015 – 2020), tỉnh đã phân khai 112,436 tỷ đồng thuộc Chương trình 135 để hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, tiếp tục thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng ở vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh.

 Tiếp tục đầu tư

Để thực hiện công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS đạt hiệu quả cao hơn, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, rà soát các nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 49 và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc. Phát huy vai trò của người có uy tín, cốt cán, già làng, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, giải quyết nhu cầu về đất sản xuất, đất ở cho đồng bào. Nghiên cứu, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả các mô hình, dự án giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, y tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh cùng phối hợp tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động cộng đồng. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, đối thoại với nhân dân, kịp thời phản ánh, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc của đồng bào. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa với các xã thuần và thôn xen ghép ĐBDTTS để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, qua đó tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, công chức, viên chức với đồng bào, góp phần củng cố, giữ vững khối đại đoàn kết giữa các dân tộc. Các ban, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, thống kê các số liệu liên quan đến công tác dân tộc và tình hình đời sống, sản xuất của ĐBDTTS để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác dân tộc đạt hiệu quả cao hơn…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Cần làm tốt công tác dân vận