Theo dõi trên

Quan tâm đúng mức các giải pháp phát triển kinh tế biển toàn diện gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước

11/06/2017, 09:30 - Lượt đọc: 6

BTO - Ngày 9/6, trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thay mặt Đoàn tham gia phát biểu tại hội trường.

         
   

      

      ĐBQH    Nguyễn Thị Phúc tham gia phát biểu tại hội trường về tình hình kinh    tế - xã hội

Theo đại biểu Phúc, năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành năng động của Chính phủ, nhất là thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký cao nhất từ trước đến nay; nông nghiệp phục hồi tăng dương; thu ngân sách, tín dụng ngân hàng có khởi sắc, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống nhân dân được nâng lên rõ nét. Tuy nhiên, năm 2016 với 2 chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu không đạt chỉ tiêu đề ra, đề nghị Chính phủ cần phân tích đầy đủ nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém để thấy thấu đáo vấn đề, từ đó rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành thời gian tới. Ngoài ra, năm 2017 về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% đại biểu Phúc còn phân vân và đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ, có sức thuyết phục hơn cơ sở của chỉ tiêu này để đảm bảo tính khả thi cao.

Kiến nghị giải pháp cần tập trung thực hiện những tháng cuối năm 2017, báo cáo của Chính phủ có nêu 6 nhóm giải pháp chủ yếu. Tuy nhiên, theo đại biểu Phúc các giải pháp này chủ yếu chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế; các giải pháp thuộc lĩnh vực xã hội, môi trường, an ninh trật tự với nhiều vấn đề bức xúc xảy ra trong cuộc sống, cử tri rất quan tâm lại chưa được Chính phủ đề cập đến. Vì vậy, đề nghị Chính phủ trên cơ sở Nghị quyết của Quốc Hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 cần rà soát 1 cách toàn diện và đưa ra các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực... để từ đó các ngành các cấp tiếp tục cụ thể hoá trong triển khai thực hiện những tháng cuối năm đạt chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Quốc hội đã đề ra.Về ổn định kinh tế vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy nhanh giải ngân và bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư là những giải pháp trọng tâm và theo đại biểu Phúc đây là những giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn về vốn, sớm đưa dòng vốn vào nền kinh tế, qua đó tạo hiệu ứng lantoả, kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong thực tế việc phân khai nguồn vốn là rất chậm, nên nhiều công trình đầu tư từ ngân sách đang khó khăn về vốn, đặc biệt là các công trình đầu tư từ Trung ương. Để giải bài toán này, theo đại biểu Phúc đề nghị Chính Phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là tiếp tục bố trí vốn để triển khai dứt điểm các công trình đang thi công dở dang ở các địa phương, tránh lãng phí. Cụ thể như Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết Bình Thuận đã qua 7 – 8 năm vẫn chưa triển khai, Bộ Giao thông vận tải dự kiến triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020 nhưng đến nay Quốc hội vẫn chưa phân bổ nguồn vốn Trung hạn nên dự án vẫn còn trên giấy; hoặc năm 2014 Chính phủ đã ban hành Quyết định về xây dựng 5 nhà máy xử lý nước thải đô thị tại TP Phan thiết nhưng đến nay chỉ có 1 nhà máy được xây dựng, còn 4 nhà máy đang chờ nguồn vốn Trung ương phân bổ, đề nghị Chính phủ quan tâm.

Liên quan đến đời sống ngư dân là vấn đề mà đại biểu Phúc luôn quan tâm và trăn trở: Thực tế hiện nay nếu so sánh mức sống của nhân dân giữa các vùng miền thì đời sống của ngư dân ở các vùng ven biển còn rất nhiều khó khăn: Ngư trường thì ngày càng thu hẹp, nguồn lợi thủy sản thì cạn kiệt, đầu khănho một chuyến biển lại rất cao, nhiều khi thu không đủ để bù đắp cho chi phí; bên cạnh đó, nạn giã cào bay đánh bắt sai tuyến, việc sử dụng chất nổ trong khai thác và vấn đề an ninh trật tự, an toàn trên biển luôn bị đe doạ đang là vấn đề nhức nhối đối với ngư dân. Vì vậy, đại biểu Phúc đề nghị Chính Phủ cần quan tâm đúng mức các giải pháp phát triển kinh tế biển 1 cách toàn diện gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, trong đó cần nghiên cứu có một chính sách cụ thể hỗ trợ trực tiếp đối với ngư dân. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đầu tư khắc phục tình trạng xâm thực biển, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nâng cấp hệ thống giao thông và các công trình phòng thủ trên các đảo. Tại Bình Thuận nhiều công trình bức thiết phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân đang rất cần sự quan tâm đầu tư như: Công trình bảo vệ bờ biển Đức Long, Tiến Thành - Phan Thiết, Liên Hương - Tuy Phong và Phước Lộc - Lagi.

Về vấn đề tăng trưởng kinh tế hiện nay nút thắt lớn nhất chủ yếu vẫn là do tăng trưởng không tốt từ khu vực sản xuất, đặc biệt là khâu chế biến. Với thực trạng hiện nay giá 1 số mặt hàng không ổn định như giá thịt lợn hơi, giá tiêu, giá trứng giảm mạnh ... gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Giải pháp của Chính phủ là đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi lợn ... theo đại biểu Phúc đây là giải pháp tức thời. Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn; theo đó Chính phủ cần chỉ đạo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó tập trung công tác qui hoạch ngành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm an toàn, có tiềm năng xuất khẩu tốt; có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại; đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã kiểu mới để thực hiện liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam, góp phần giảm dần sản xuất manhmún, tự phát của hộ gia đình, phát triển nền nông nghiệp bền vững.

 Ngoài các kiến nghị nêu trên, đại biểu Phúc tiếp tục kiến nghị Chính Phủ quan tâm giải quyết: Sửa đổi chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, xem xét nâng lương cán bộ nghỉ hưu từ trước năm 1993, chính sách hỗ trợ người cao tuổi cho cán bộ hưu trí; chính sách thâm niên ngành y tế .../

 Hoàng Thu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan tâm đúng mức các giải pháp phát triển kinh tế biển toàn diện gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước