Theo dõi trên

Thành phố biển anh hùng

11/05/2017, 17:29 - Lượt đọc: 42

BTO- Ngày 13/5, Đảng bộ thành phố Phan Thiết sẽ kỷ niệm 70 năm thành lập (5/1947-5/2017). Binhthuan Online xin trân trọng giới thiệu một vài nét về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quân và dân một thành phố đã được nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân’.

Thành phố Phan Thiết bây giờ là thành phố du lịch nổi tiếng

Phan Thiết là tỉnh lỵ trung tâm của Bình Thuận, có bờ biển trải dài hơn 57 km. Lúc sinh thời trong quá trình đi tìm đường cứu nước, năm 1910 Bác Hồ đã dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh và sớm gieo mầm cách mạng nơi đây. Vùng đất này còn là nơi tụ nghĩa của các nhà chí sĩ yêu nước ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

 Do vị trí chiến lược quan trọng nên cả ta và địch đều chú trọng Phan Thiết. Đối với địch (kể cả Pháp và Mỹ) nhất là Mỹ, chúng xác định Phan Thiết là tuyến phòng thủ cửa ngõ phía đông Sài Gòn, vì vậy chúng quyết chiếm giữ để tạo thế an toàn, biến nơi đây thành hậu phương phục vụ cho thủ đoạn xâm lược. Với bộ máy chiến tranh đồ sộ, cả trung tâm hệ thống chỉ huy kềm kẹp, với đủ loại phản động, ác ôn khét tiếng, lập biệt khu, tiểu khu, với lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, tề điệp cảnh sát nhiều tầng nhiều lớp với số lượng trên 10.000 tên, có 4.000 tề ngụy. Ngoài ra chúng còn tăng cường chiến đoàn 5/506 Mỹ, trung đoàn BB44 với trang bị hỏa lực mạnh…

Về ta: xác định Phan Thiết là trung tâm phong trào cách mạng của tỉnh, quân và dân Phan Thiết phải chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ kiên quyết bám thị xã, bám đất, bám dân để xây dựng thực lực cách mạng ngay trong lòng địch, đưa chiến tranh vào ngay trong sào huyệt của chúng.

Đặc biệt trận đánh vào Căng Esepic đêm 28/12/1951 đạt hiệu suất chiến đấu cao, có ý ngĩa to lớn toàn chiến trường, được đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi.

 Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, quân và dân thị xã đã độc lập chiến đấu và phối hợp với cấp trên đánh 951 trận lớn nhỏ, diệt 7.896 tên địch (có 1.136 tên Mỹ), làm bị thương 1.283 tên, bắt 230 tên, gọi hàng 1.500 tên, thu 1.287 súng và hơn 100 tấn đạn các loại, 2 máy bay lên thẳng, 20 khẩu pháo, bắn cháy phá hủy 70 máy bay, 63 xe quân sự có 47 xe tăng, xe bọc thép…

Điểm nổi bật trong truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân Phan Thiết là: Tự lực tự cường xây dựng cơ sở cách mạng nắm chắc dân, tổ chức quần chúng đấu tranh trực tiếp với địch bằng chính trị, quân sự, binh vận ngay trong lòng thị xã.

Ngay từ năm 1955 Thị ủy đã chủ động đưa cán bộ luồn sâu vào nội thị để nắm dân và tổ chức các chi bộ mật ở các xã, phường: Phong Nẫm, Tường Phong, Đức Nghĩa, Đức Thắng và trong nghiệp đoàn nước mắm, trường Phan Bội Châu, thành lập các đoàn thể bí mật, xây dựng cơ sở ngay trong các nghiệp đoàn do ngụy quyền cho phép hoạt động như: thợ hồ, thợ cưa, thợ mộc, xe hơi, xe lam, xe xích lô…

Suốt 21 năm chống Mỹ, đã diễn ra trên 150 cuộc đấu tranh lớn, mặc dù bị khủng bố, hy sinh mất mát, nhưng lòng dân vẫn hướng về cách mạng, kiên quyết đấu tranh giằng co dai dẳng ác liệt, một mất một còn với kẻ thù. Tiêu biểu như cuộc bãi thị ngày 30/4/1955 của nhân dân toàn thị xã chống bắt lính, đôn quân, chống khủng bố đàn áp, đòi hiệp thương tổng tuyển cử với các hình thức: không họp chợ, hiệu buôn đóng cửa, xe không lưu thông, đường không người qua lại, thuyền đánh cá không ra khơi, xưởng cưa không làm việc…cả thị xã ngừng hoạt động làm cho địch rất hoảng sợ.

Trong hai cuộc kháng chiến, thị xã Phan Thiết chưa được sự chi viện của trên, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề buôn bán, làm nước mắm, số dân làm nông rất ít không đủ nuôi sống toàn thị xã, lại bị địch thường xuyên kiểm soát phong tỏa. Nhưng Đảng bộ đã phát động được phong trào toàn dân cống hiến sức người sức của cho cách mạng, nuôi sống được lực lượng của mình (bao gòm 4 đại đội, các đội du kích, công tác, an ninh, quân báo) cả chủ lực của tỉnh (tiểu đoàn 482, cơ quan của tỉnh) và chủ lực của quân khu, cung cấp hàng ngàn tấn lương thực thực phẩm, hàng trăm triệu đồng tiền Sài Gòn, hàng trăm lượng vàng và thuốc men, trên một vạn ngày công phục vụ tiền tuyến, 2.400 thanh niên thoát ly làm cách mạng.

Trong hai cuộc kháng chiến, Phan Thiết có 1.536 người con ưu tú hy sinh vì sự nghiệp cách mạng (có 966 liệt sĩ chống Mỹ) 563 thương binh, 233 bệnh binh, 144 gia đình có từ 2-5 con là liệt sĩ, 7 gia đình có con duy nhất là liệt sĩ

Với những hy sinh cống hiến cho đất nước, quân và dân Phan Thiết được nhà nước tuyên dương và khen thưởng 1 địa phương, 1 đơn vị và 6 cá nhân danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 91 bà mẹ được tuyên dương danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (riêng mẹ Phạm Thị Ngư được tuyên dương 2 danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”…

Ngày 11/6/1999 nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thiết được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

( Theo cuốn “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Bình Thuận”)

BTO



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành phố biển anh hùng