Theo dõi trên

“Xử lý tham nhũng cần nghiêm minh, bình đẳng, không  có chuyện hạ cánh an toàn…”

22/11/2017, 17:03

BTO- Sáng ngày 21/11, trong phiên thảo luận Quốc hội về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng, bà Nguyễn Thị Phúc - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, kê khai tài sản, thu nhập là khâu đầu tiên, nhưng là khâu rất quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng. Trên thực tế, việc này đã và đang được thực hiện song vấn đề đặt ra ở đây là cần xác định đối tượng phải kê khai như thế nào cho đúng, cho trúng, tránh hình thức là vấn đề vô cùng quan trọng. Trong thực tế, tham nhũng xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, ở các góc cạnh khác nhau của cuộc sống. Vì vậy công tác phòng chống tham nhũng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước.

Không mở rộng đối tượng kê khai đại trà

Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, từ 2 phương án mà Chính phủ trình Quốc hội, bà Phúc phân tích:

Phương án 1 có ưu điểm là mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai, để hướng tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên phải thực hiện kê khai theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, khóa 10. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là số người có nghĩa vụ kê khai lớn sẽ khó khăn cho các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập.

Với phương án 2, ưu điểm là đối tượng có nghĩa vụ kê khai được thu hẹp, tập trung vào đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở Trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương và đối tượng phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong 1 số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Tuy nhiên phương án này sẽ không bao quát hết các đối tượng như cấp phó các sở, ngành cấp tỉnh, Bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện cũng không thuộc đối tượng phải kê khai; ngoài ra, cũng cần làm rõ lý do đối tượng phải kê khai ở Trung ương thì phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên nhưng ở địa phương lại quy định từ 0,9 trở lên.

Theo đó, bà Phúc cho rằng cả 2 phương án mà Chính phủ trình chưa phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, từng đối tượng; tính khả thi sẽ không cao, cần phải được tính toán kỹ. Chúng ta không nên mở rộng đối tượng kê khai đại trà, tràn lan nhưng cũng không nên thu hẹp đối tượng vì không kiểm soát được. Bà Phúc kiến nghị dự thảo luật nên qui định đối tượng kê khai theo hướng: Đối với lĩnh vực ít xảy ra các vụ việc tham nhũng thì qui định kê khai đến những người có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên, tức là từ cấp phó các cơ quan cấp tỉnh trở lên; nhưng đối với lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao thì đối tượng phải kê khai là những người có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên, tức là từ cấp phó phòng cấp huyện, Phó Chủ tịch UBND cấp xã trở lên và giao Chính phủ qui định chi tiết điều này.

Đồng thời, để phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm  của người đứng đầu, ngoài nội dung qui định về trách nhiệm của người đứng đầu, dự thảo luật cần bổ sung thêm nội dung: Người đứng đầu chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và chịu trách nhiệm với cấp trên trực tiếp về công tác quản lý cán bộ theo qui định.

Xử lý tham nhũng phải nghiêm, không có vùng cấm!

Về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, đây là vấn đề quan trọng cử tri rất quan tâm. Theo cử tri, xử lý hành vi tham nhũng là phải nghiêm, phải bình đẳng, không có vùng cấm, không có chuyện hạ cánh an toàn. Vấn đề này cũng được Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án. Theo bà Phúc, phương án 1 có ưu điểm là tăng tính chủ động, gắn trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra đối với các kết luận, báo cáo của mình. Tuy nhiên, chức năng nhiệm vụ lại không rõ ràng; không đảm bảo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Việc xác minh, điều tra để phát hiện tội phạm đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ tố tụng và có những quyền hạn nhất định thuộc về lĩnh vực tố tụng. Nếu khi phát hiện hành vi tham nhũng, cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm toán giữ lại để xác minh, ra kết luận thì dễ dẫn đến tình trạng xử lý kéo dài… gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý sau này.

Theo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, hiện nay có tình trạng các cơ quan thanh tra, kiểm toán tiến hành nhiều hoạt động, phát hiện nhiều sai phạm, nhưng ít vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra trong khi tình hình tham nhũng được đánh giá là “vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành”. Vì vậy việc xác minh, điều tra để phát hiện tội phạm tham nhũng giao cho cơ quan thanh tra, kiểm tra là không phù hợp.

Đối với phương án 2, thực hiện theo qui định của Luật Thanh tra, Luật kiểm toán nhà nước và Bộ Luật tố tụng hình sự cũng không phù hợp với tính chất, mức độ tình hình tham nhũng xảy ra như hiện nay, tính kiên quyết, kịp thời trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng không cao.

Do vậy, Luật nên giữ nguyên như qui định của Luật hiện hành. Theo đó, khi phát hiện hành vi tham nhũng thì cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm toán phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra nhằm đảm bảo xử lý hiệu quả, kịp thời tội phạm tham nhũng. Đồng thời, để việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng có hiệu quả hơn, dự thảo luật cần qui định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong trường hợp các cơ quan này khi tiến hành thanh tra, kiểm toán không phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng sau đó các cơ quan có thẩm quyền lại phát hiện ra tội phạm tham nhũng.

Khắc Điều



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đức Linh cần tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển toàn diện
BTO-Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh, diễn ra sáng 25/4. Dự làm việc còn có đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Xử lý tham nhũng cần nghiêm minh, bình đẳng, không  có chuyện hạ cánh an toàn…”