Theo dõi trên

Giải quyết vướng mắc trong cấp, đổi chứng minh nhân dân

06/02/2018, 10:05 - Lượt đọc: 48

BT - Luật Căn cước công dân số 59 được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 20/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 quy định: “Để cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân bắt buộc phải có thông tin về ngày, tháng, năm sinh của công dân. Khi Luật Căn cước thực thi thì có nhiều vấn đề đặt ra và bất cập, đó là hiện nay đa số người lớn tuổi ở các địa phương như: Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong… do thất lạc giấy tờ không nhớ ngày tháng năm sinh. Hiện tại giấy CMND cũ của người dân chỉ khai năm sinh. Do vậy, khó khăn cho người dân khi thực hiện thủ tục cấp, đổi CMND và thẻ căn cước công dân…

Để giải quyết vấn đề này, ngày 25/4/2016 Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) đã có Công văn số 413 hướng dẫn cụ thể: “Trong công tác cấp, quản lý CMND, thẻ căn cước công dân (CCCD) thì việc ghi ngày, tháng sinh trên CMND, thẻ CCCD căn cứ vào thông tin về ngày, tháng sinh ghi trong sổ hộ khẩu. Đối với trường hợp sổ hộ khẩu và giấy khai sinh đều không ghi ngày, tháng sinh thì cơ quan công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại CMND, thẻ CCCD hướng dẫn công dân đến UBND xã, phường nơi đăng ký khai sinh đề nghị bổ sung ngày, tháng sinh trong giấy khai sinh. Sau khi đã điều chỉnh thông tin thì tiến hành điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu, thông tin trên giấy khai sinh mới được điều chỉnh. Sau khi công dân đã điều chỉnh thông tin về ngày, tháng sinh trong sổ hộ khẩu, cơ quan công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại CMND, thẻ CCCD tiến hành làm thủ tục cấp, đổi có đầy đủ thông tin về ngày, tháng sinh cho công dân theo quy định…”.

Mặt khác, tại Điều 27 Luật Hộ tịch nêu rõ: “UBND xã nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú trong nước”. Tại Thông tư số 15 ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp cũng quy định: “Trường hợp công dân Việt Nam cư trú trong nước sinh trước ngày 1/1/2016 nếu chưa được đăng ký khai sinh, nhưng có hồ sơ, giấy tờ cá nhân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có yêu cầu đăng ký khai sinh… thì UBND xã nơi người đó cư trú thực hiện việc đăng ký khai sinh”.

Như vậy, theo quy định và hướng dẫn nói trên thì các trường hợp người lớn tuổi, bệnh tật già yếu không có điều kiện đi lại về nơi đăng ký khai sinh trước đây để bổ sung ngày, tháng sinh vào giấy khai sinh thì công dân được UBND cấp xã, phường nơi cư trú của công dân để đề nghị giải quyết đăng ký, thay đổi, bổ sung hộ tịch theo quy định. Đối với trường hợp công dân không có giấy khai sinh hoặc có giấy khai sinh, nhưng không có ngày, tháng sinh khi làm thủ tục đăng ký khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch tiến hành gửi văn bản xác minh. Nếu quá thời hạn mà không nhận được văn bản trả lời kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung cần xác minh theo quy định tại Thông tư số 15 của Bộ Tư pháp. Trường hợp nhận được kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch căn cứ vào kết quả đó để bổ sung ngày, tháng sinh cho công dân…          

HỒ NHẬT



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải quyết vướng mắc trong cấp, đổi chứng minh nhân dân