Theo dõi trên

Ám ảnh hiểm họa “lũ cát” ở Tiến Thành

07/07/2017, 09:00 - Lượt đọc: 12

BT - Hàng năm vào mùa mưa bão, người dân vùng ven biển xã Tiến Thành (Phan Thiết) lại lo lắng “lũ cát” ập đến bất ngờ. Hiện trên địa bàn xã Tiến Thành dọc theo tuyến tỉnh lộ ĐT 719 có 8 vị trí hình thành rãnh sâu, khi mưa to các rãnh này chứa đầy bùn cát đỏ, đột ngột hình thành “dòng lũ cát” gây nguy hiểm bất ngờ cho các khu dân cư. Tại đây những năm qua đã xảy ra nhiều đợt “lũ cát” kinh hoàng làm chết 4 người và chôn lấp 85 căn nhà ở của dân, hàng trăm mét đường nhựa ven biển, gây tắc nghẽn giao thông. Giáo sư Hồ Tá Khanh, chuyên gia địa chất của Pháp khi qua khảo sát, nghiên cứu “hiện tượng lũ cát” ở Tiến Thành cho biết: “Lũ cát là một trong những loại thiên tai thường xảy ra vào mùa mưa bão và cực kỳ nguy hiểm. Vì nó thường xảy ra bất ngờ và thời gian xảy ra cực ngắn, chỉ khoảng vài giờ đồng hồ, nhưng hậu quả để lại vô cùng thảm khốc”.

         
   

      

      Lũ cát năm 2015,    hàng trăm mét khối cát lấp đường ĐT 719.

“Lũ cát” ở Tiến Thành xuất phát từ dãy đồi cát phong hóa dài 13km chạy dọc theo bờ biển. Các yếu tố có ảnh hưởng lớn trong quá trình sinh ra “lũ cát”, trước hết là mưa, sau đó đến các đặc điểm khí hậu vùng, tính chất cơ lý địa chất của dãy đồi cát, đặc điểm về địa hình, về lớp phủ thực vật…trong đó yếu tố mưa là quan trọng nhất, vì nó là tác nhân sinh ra “lũ cát”.

Sự biến đổi tạo thành “dòng lũ cát” mạnh do hoạt động của con người tạo nên như: Phá rừng, hủy hoại lớp phủ thực vật tại vùng phẳng trên cao để canh tác, xây dựng công trình. Mặt khác, tình trạng đào đất ở chân đồi, khe chuyển nước để xây dựng các công trình, dự án mới là tác nhân gây mất cân bằng sinh thái, hình thành “dòng lũ cát” ở Tiến Thành. Trước thực trạng đó, giải pháp di dời người dân đang cư ngụ dưới chân đồi cát đến nơi khác xem ra khó thực hiện, vì nhiều lý do, trong đó có lý do là kinh phí đầu tư quá lớn; vấn đề sinh sống làm ăn của hàng trăm hộ dân sẽ gặp khó khăn… Do vậy, người dân phải sống chung với lũ cát. Tuy nhiên, cần phải tìm nhiều giải pháp để chế ngự phần nào làm giảm nhẹ hậu quả của hiện tượng “lũ cát”.

Dọc theo chiều dài 4 km đồi cát có 8 vị trí dễ bị sạt lở cát (từ UBND xã Tiến Thành dọc theo đường ĐT 719 về phía Nam). Trong đó, có 2 vị trí xung yếu nhất cơ quan chức năng đã đề xuất các giải pháp đầu tư xây dựng công trình chống lũ cát (đập chắn cát, kênh dẫn nước mưa, cống thoát nước qua đường ĐT 719) tạo các bậc thang để giữ cát. Mặt khác, làm giảm vận tốc dòng nước tại vùng bằng phẳng trên cao bằng cách thực hiện các đập chắn ngang, đơn giản bằng các bó cây khô tạo thảm thực vật cho vùng bằng phẳng trên đỉnh đồi cát. Song, nhiều năm qua các giải pháp được đề xuất nhằm hạn chế “dòng lũ cát” vẫn chưa được triển khai. Vì thế, nguy cơ “dòng lũ cát” ập đến bất ngờ ở các khu dân cư Tiến Thành vẫn luôn thường trực.

Ông Phạm Ngọc Tâm, người dân xã Tiến Thành cho biết: “Năm nào cũng có các đoàn đến khảo sát hiện tượng lũ cát tại đây, nhưng chưa thấy có giải pháp gì hữu hiệu để chống cát tràn. Nhiều hộ dân tự đắp cao đất quanh nhà để tránh “lũ cát”. Nhưng khi mưa lớn dòng cát chảy mạnh thì không chống đỡ nổi. Cứ đến mùa mưa người dân lại nơm nớp lo sợ về hiểm họa “lũ cát”. Các trận mưa lớn đầu mùa mưa 2017 cát có tràn xuống đường nhưng không nhiều. Nhân dân mong muốn ngành chức năng và chính quyền địa phương nghiên cứu và sớm có giải pháp công trình chắn cát hữu hiệu để bảo đảm cuộc sống lâu dài của người dân nơi đây.       

LÊ THANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ám ảnh hiểm họa “lũ cát” ở Tiến Thành